Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, khi sống trong vùng dịch phức tạp, nếu bạn thực hiện đúng chỉ thị của chính phủ và địa phương, nghiêm túc siết chặt 5K,... thì hoàn toàn có thể phòng ngừa để không trở thành F0.
Theo báo Tuổi trẻ đưa tin, sáng ngày 6/8, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 đã ghi nhận 4.009 ca nhiễm mới trong nước, trong đó, TP.HCM có 2.563 ca. Việt Nam nâng tổng số ca nhiễm lên 189.066 ca, trong đó có 2.334 ca nhập cảnh và 186.732 ca mắc trong nước.
Trong tình hình dịch bệnh chưa "hạ nhiệt" như thế này, người dân cũng vô cùng lo lắng về việc bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình để tránh nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Trao đổi về vấn đề này, theo thông tin của Doanh Nghiệp và Tiếp thị, BS> Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ học, nguyên trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện nhi Đồng I cho hay: "Nếu bạn là người sống trong vùng dịch, hiểu được nguyên tắc lây và không phải là người tham gia chống dịch, thì có thể phòng ngừa để không trở thành F0."
Tuy nhiên, hiện tại, chủng virus Delta đang có tốc độ lây lan "chóng mặt" vì vậy một người làm tốt vẫn chưa đủ sức ngăn ngừa bệnh mà tất cả các thành viên trong gia đình phải cùng làm tốt, BS Khanh phân tích:
"Hiện nay, các ổ dịch lây trong gia đình là nhiều nhất. Từ một gia đình mang virus SARS-CoV-2 có thể lây sang gia đình hàng xóm, lây ra con hẻm và lây ra cả khu phố,… Do vậy, mọi người cần phải nắm được nguyên tắc cắt đường đường lây là quan trọng nhất để đảm bảo an toàn trong mùa dịch".
Bên cạnh, để giữ được an toàn cho bản thân và gia đình trong vùng dịch, bác sĩ Khanh đưa ra lời khuyên:
Thứ nhất: Phải thực hiện đúng chỉ thị của chính phủ và địa phương, đây là điều rất quan trọng để cắt đứt đường lây truyền. Đừng để virus SARS-CoV-2 "nhảy" từ người này sang người khác, "nhảy" từ nhà này sang nhà khác, từ xóm này sang xóm khác.
"Điều không may khiến cho dịch bùng phát mạnh mẽ tại TP.HCM và sắp tới là ở các tỉnh khác là người dân không hiểu hết sự quan trọng khi thực hiện đúng các chỉ thị của địa phương mình đưa ra. Mọi người vẫn chỉ nghĩ thực hiện đúng chỉ thị là không đi ra đường lớn. Thực hiện đúng chỉ thị 16 là phải cách lý nhà với nhà, hàng xóm với hàng xóm, họ hàng với họ hàng" - Bác sĩ Khanh chia sẻ.
Thứ hai, thời điểm này, Việt Nam cần phải đẩy nhanh việc tiêm phòng vắc xin Covid-19. Ở những nước như Châu Âu, Mỹ, khi dịch bùng phát, họ cũng phải đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho người dân để chủ động tạo miễn dịch cộng đồng.
Theo bác sĩ Khanh, việc thực hiện 5K rất quan trọng để sống an toàn trong vùng dịch. Khi nói tới 5K, khẩu trang sẽ phải là thứ đầu tiên cần chú ý. Cần phải đeo khẩu trang luôn đúng nơi đúng chỗ: ngoài đường, nơi có một người lạ, có người không mang khẩu trang đúng. Không mở khẩu trang nếu như bản thân thấy không an toàn. Một số người còn có tâm lý bỏ khẩu trang chỉ một chút, virus không thể xâm nhập được. Đây là một điều rất nguy hiểm, do chủng virus Deta chỉ trong một tích tắc 2-3 câu nói sát mặt với nhau không mang khẩu trang sẽ lây nhiễm.
Điều thứ 2 cần lưu ý trong 5K đó chính là rửa tay. Mọi người cần phải lưu ý khi tay chạm vào vật dụng, nơi không an toàn, phải rửa tay ngay. Virus tồn tại ở những phòng lạnh, khu vệ sinh chung,… Do đó, hãy tập thói quen khi thấy nước rửa tay là phải rửa tay ngay, trước khi bước chân về nhà cũng phải rửa tay.
Điều thứ 3 cần lưu ý giữ khoảng cách, luôn giữ khoảng cách 2m, không chen lấn vào những nơi đông người.
Điều thứ 4 là khai báo y tế, ngoài ra người dân cũng cần thường xuyên mở ứng dụng Bluezone. Khi tất cả mọi người cùng bật ứng dụng thì sẽ biết được nguy cơ ở xung quanh mình như thế nào.
Điều cuối cùng là không tụ tập. Mọi người vẫn nghĩ đi ra đường lây mà không nghĩ rằng virus ở đang lây trong hẻm, trong xóm nên vẫn tụ tập nói chuyện, ăn uống. Thất bại của các khu phong tỏa là do chưa thực hiện nghiêm chỉnh không tụ tập.