Theo Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Thành Phố Hồ Chí Minh (HCDC), với tình hình hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch là rất lớn nếu không chủ động kiểm soát ngay từ lúc này.
Theo thông tin từ Báo Hà Nội Mới, ngày 6/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin về tình hình bệnh tay chân miệng và> sốt xuất huyết trên địa bàn có dấu hiệu tăng nhanh.
Theo đó, số ca tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Bên cạnh đó, kiểu gen B5 của Enterovirus 71 (EV71) đã được ghi nhận ở các bệnh nhi mắc bệnh có triệu chứng nặng.
Trong khi đó, theo quy luật diễn tiến dịch bệnh sốt xuất huyết hằng năm tại thành phố Hồ Chí Minh thì mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết sẽ bắt đầu khoảng tuần thứ 25 (khoảng 2 đến 3 tuần tới).
Theo HCDC, với tình hình hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch là rất lớn nếu không chủ động kiểm soát ngay từ lúc này.
Cụ thể, theo số liệu giám sát dịch bệnh của HCDC, số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại thành phố có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Trong đó, số ca mắc tay chân miệng trong tuần 22 cao gấp hơn 2 lần số ca mắc tay chân miệng trong tuần 19.
Dẫn tin từ Báo điện tử VTV News, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía Nam cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Tại TP Hồ Chí Minh, có 12/312 phường, xã có số ca bệnh tăng so với số mắc trung bình trong 4 tuần trước đó. Trong tuần qua, qua giám sát điểm nguy cơ sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện có 10/16 điểm có lăng quăng (tại Quận 1, Quận 8, Quận 11 và huyện Nhà Bè).
Theo các chuyên gia, hiện có 3 loại bệnh cùng lưu hành và dễ nhầm lẫn với nhau là sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19. Trong đó, có trường hợp xảy ra đồng nhiễm ở trẻ, vừa mắc tay chân miệng vừa mắc COVID-19, vừa mắc sốt xuất huyết vừa mắc COVID-19, vừa tay chân miệng vừa sốt xuất huyết nên phụ huynh cần lưu ý kỹ các dấu hiệu của từng bệnh, không chủ quan và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.