Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 tiếp nhận nữ bệnh nhân (26 tuổi) trong tình trạng mắt phải nhắm không kín, miệng lệch sang trái và tê bì nửa mặt phải.

Ánh Kiều (t/h) 21:05 02/06/2023

Theo thông tin từ VietNamNet, nữ bệnh nhân (26 tuổi) ở TP.HCM gặp mưa khi đi làm về và thấy mệt mỏi, hơi đau nhức vùng tai phải. Sáng hôm sau, khi vừa tỉnh dậy, chị phát hiện mắt phải nhắm không kín, miệng lệch sang trái và tê bì nửa mặt phải. 

Liệt mặt ngoại biên có thể xảy ra do viêm, chấn thương, lạnh, khối u... Ảnh: VietNamNet

Sau đó, bệnh nhân đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 thăm khám. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngô Minh Như xác định chị bị liệt thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh. Người bệnh được kê thuốc uống và châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, kết hợp tập vật lý trị liệu. Sau 3 tuần điều trị, tình trạng trên thuyên giảm 80%. 

Gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp liệt mặt ngoại biên tương tự đến khám và điều trị.

Trước đó, theo nguồn tin từ báo Tuổi trẻ, bé T.N. (12 tháng tuổi, TP.HCM) được mẹ đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM), cơ sở 3 thăm khám trong tình trạng liệt mặt, méo miệng. Qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán bé bị >liệt dây thần kinh số 7 (liệt mặt) do thời tiết giao mùa, đêm để quạt thổi thẳng vào vùng gáy. Sau 2 tuần điều trị hiện bé đã hồi phục.

Một bệnh nhi 12 tháng tuổi bị liệt mặt đã được điều trị thành công - Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là tình trạng một bên cơ mặt yếu hoặc chảy xệ xuống dưới, do dây thần kinh điều khiển cơ mặt bị tổn thương. Hệ thống đường đi của dây thần kinh này khá phức tạp, từ thần kinh trung ương đi xuống thái dương và tuyến mang tai chi phối cơ bám da mặt và cơ bám da cổ.

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là tổn thương từ đoạn thái dương trở xuống. Nguyên nhân thường gặp do lạnh hoặc do viêm (nhiễm virus, viêm nhiễm vùng mặt, viêm nhiễm vùng tai mũi họng điều trị không khỏi, viêm tai xương chũm), chấn thương, khối u,…

Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, một số người dễ bị liệt dây thần kinh ngoại biên hơn như: Người suy nhược suy giảm hệ miễn dịch; Phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh; Người có thể trạng thừa cân béo phì, lười vận động, ít tiếp xúc môi trường bên ngoài; Người thường xuyên thức khuya, tắm trễ hoặc tắm sớm; Người dễ cảm nhiễm lạnh khi thời tiết thay đổi.

Qua đó, các bác sĩ cảnh báo: Để phòng ngừa tình trạng trên, mỗi người cần duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý, không thức quá khuya, không nên làm việc quá sức, không tắm quá khuya, thường xuyên vận động tập luyện thể dục thể thao để tăng cường >sức khỏe…

Đồng thời, người dân cần giữ ấm khi trời mưa, lạnh, không để quạt hoặc hướng gió máy lạnh hướng thẳng vào vùng mặt. Duy trì chế độ >dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, bổ sung các vi chất cần thiết để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Một số triệu chứng thường gặp như: cảm thấy dị cảm tê vùng mặt, mặt bị yếu xệ hoặc hơi cứng một cách bất thường, miệng bị méo lệch hẳn sang một bên, một bên mắt không thể nhắm kín. Người bệnh uống nước rất khó khăn, thường bị chảy ra ngoài, khó cười nói, cảm thấy đau nhức trong tai, đau nhức đầu, vị giác kém, nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn bình thường.

Ánh Kiều (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe