Nhiều trường hợp tiêm sản phẩm không rõ nguồn gốc lên mặt để chữa sẹo, trong đó có những ca bị loét, nhiễm trùng, hoại tử tại vị trí tiêm.
Thời gian gần đây, nhiều trường hợp tiêm sản phẩm không rõ nguồn gốc lên mặt để chữa sẹo, trong đó có những ca bị loét, nhiễm trùng, hoại tử tại vị trí tiêm.
Dẫn tin từ VTV, cụ thể như trường hợp bệnh nhân Đ.T.A (sinh năm 2007, trú tại Ninh Bình) bị mắc thủy đậu sau đó xuất hiện >sẹo lồi tại các vùng có thương tổn thủy đậu.
Bệnh nhân đến tư vấn và tiêm thuốc nội thương tổn để điều trị sẹo lồi tại một thẩm mỹ viện ở Hà Nội 2 lần, nhưng không biết loại thuốc tiêm và liều lượng. Sau khi tiêm 2 tháng, tại vùng tiêm thấy teo tổ chức mô mềm dưới da tạo thành vết lõm sâu màu hồng trên có nhiều mạch máu.
Qua thăm khám, bác sĩ Vũ Hồng Luyến, Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương, nhận thấy: bệnh nhân có 4 tổn thương lõm sâu teo tổ chức mô mềm dưới da, kích thước lớn. Bác sĩ Luyến chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng teo tổ chức dưới da do tiêm sẹo lồi tại chỗ. Bệnh nhân được chuyển xuống Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để tư vấn và chọn phương án điều trị thích hợp.
Ths.Bs Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc cho biết thêm: thuốc thường dùng để tiêm nội tổn thương điều trị sẹo lồi là triamcinolon, một loại corticoid, thuộc nhóm thuốc độc bảng B, có tác dụng chậm, kéo dài. Thuốc thường sẽ gây ra teo tổ chức tại chỗ tiêm (teo da, cơ) nếu không dùng đúng chỉ định hoặc tiêm không đúng kỹ thuật. Ngoài ra, thuốc có các tác dụng phụ tại chỗ khác như: giãn mạch, mọc nhiều lông, xuất hiện trứng cá, yếu cơ... và tác dụng toàn thân như hội chứng Cushing, teo tuyến thượng thận, tăng nguy cơ đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa...
Liên quan đến các trường hợp viêm, nhiễm, hoại tử khi tiêm làm mờ sẹo lỗi, theo VietNamNet, bác sĩ chuyên khoa II Phương Quỳnh Hoa, Trưởng khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, sẹo lồi là loại sẹo bệnh lý có sự tăng sinh quá mức của collagen sau tổn thương tạo sẹo, có xu hướng phát triển to hơn so với tổn thương ban đầu gây ra sẹo. Các vị trí dễ bị sẹo lồi như ngực, lưng, vai. Loại sẹo này không những gây mất thẩm mỹ mà còn gây khó chịu như ngứa, đau, nhiễm trùng.
Phương pháp điều trị sẹo lồi hiện nay khá đa dạng, như tiêm thuốc nội sẹo, áp lạnh bằng nito lỏng, phối hợp với các loại laser như laser CO2, laser fractional, laser vbeam… Điều trị sẹo lồi thường cần điều trị nhiều lần, tuỳ theo mức độ sẹo.
Sẹo lõm là sẹo do mất tổ chức gây ra hiện tượng lõm trên bề mặt da, nguyên nhân có thể do vết thương, nhọt, áp xe, thuỷ đậu, trứng cá. Trong đó, trứng cá là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến sẹo lõm nhiều và nặng.
Sẹo lõm gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp, sinh hoạt xã hội. Điều trị sẹo lõm nhằm làm tăng sinh tổ chức da, giúp sẹo bớt lõm hơn. Những phương pháp điều trị sẹo hiệu quả cao như laser CO2 fractional, laser Er:YAG fractional, vi kim RF, peel, TCA, cắt đáy sẹo… Nếu làm đúng kỹ thuật, các kỹ thuật trên đều rất an toàn, hầu như không có những biến chứng nặng nề trên người bệnh.
Trên internet gần đây có rất nhiều cơ sở quảng cáo chữa được sẹo chỉ sau 1 lần duy nhất. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của chúng tôi và trên thế giới, tình trạng sẹo nói chung không thể hết sau 1 lần điều trị, chưa kể là hết sẹo sau 30 phút điều trị.
Như trên đã nói, các phương pháp điều trị sẹo hiện tại nhằm mục đích cho da tăng sinh collagen và tổ chức làm đầy sẹo, quá trình này mất nhiều tháng chứ không nhanh tức thì được. Nhiều trường hợp tiêm những loại sản phẩm không rõ nguồn gốc lên mặt để chữa sẹo, trong đó có những trường hợp bị loét, nhiễm trùng, hoại tử tại vị trí tiêm. Do tổn thương nông trên bề mặt, những trường hợp này chúng tôi xử lý khá dễ bằng chăm sóc tại chỗ và dùng kháng sinh toàn thân. Nhưng kể cả khi hết loét, nhiễm trùng, vùng da của bệnh nhân vẫn để lại sẹo lồi, lõm, tăng giảm sắc tố lẫn lộn gây mất thẩm mỹ rất nhiều.