Hai biến chủng thống trị toàn cầu là XBB.1.5 và XBB.1.16 đang thể hiện sự sụt giảm về tỷ lệ, trong khi XBB.1.9.1 và XBB.1.9.2 đã cho thấy xu hướng gia tăng rõ rệt tại nhiều nước trên thế giới.
Theo nguồn tin từ Báo Người Lao Động, sáng nay, báo cáo của WHO cho biết, trong chu kỳ 28 ngày từ 27/3 đến 23/4, 35.474 trình tự SARS-CoV-2 đã được chia sẻ thông qua cơ sở dữ liệu chung GISAID.
Cũng giống như tuần trước, WHO đã đưa hai biến chủng tái tổ hợp của BA.2 Omicron là XBB.1.5 và XBB.1.15 vào danh sáng "biến chủng được quan tâm" (VOI).
Trong khi đó "biến chủng đang được theo dõi" (VUM) tăng từ 6 lên 7, ngoài BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB (không bao gồm các nhánh XBB.1.5, XBB.1.16 và XBB.1.9*), XBB.1.9.1 và XBF còn có sự xuất hiện thêm của XBB.1.9.2.
WHO đã quyết định thêm XBB.1.9.2 vào danh sách VUM vào ngày 26/4.
XBB.1.5 vẫn là dòng thống trị, đã được báo cáo từ 103 quốc gia và chiếm 45,4% số trình tự được báo cáo trong tuần dịch tễ thứ 14 (gần nhất), giảm so với mức 49,1% của tuần dịch tễ trước đó.
XBB.1.16 đã được báo cáo từ 37 quốc gia, chiếm 4,3% số lượng trình tự, tăng từ mức 1,3% của tháng trước đó nhưng đã giảm nhẹ so với tuần dịch tễ trước (4,49%).
Trong số các VUM có XBB, XBB.1.9.1 và XBB.1.9.2 đã cho thấy xu hướng tăng, chiếm tỉ lệ lần lượt là 13,3%, 9,4% và 2,7% trong tuần 14, khác biệt rõ so với 6,6%, 5,8% và 1,3% trong báo cáo 1 tháng trước.
Các VUM còn lại cho thấy xu hướng giảm trong cùng kỳ báo cáo.
Biến chủng đang được WHO quan tâm nhất là XBB.1.16, vẫn đang được Nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus (TAG-VE) của WHO đánh giá, kêu gọi các quốc gia gửi thêm dữ liệu.
XBB.1.16 có cấu hình di truyền tương tự như VOI XBB.1.5, với đột biến axit amin E180V và K478R bổ sung trong protein gai so với XBB ban đầu.
Ngoài việc đánh giá về virus của TAG-VE, Nhóm Tư vấn Kỹ thuật về Thành phần vắc-xin COVID-19 (TAG-CO-VAC) của WHO tiếp tục đánh giá tác động của chúng đối với vắc-xin COVID-19 và sẽ đưa ra khuyến nghị cập nhật khi cần thiết.
Các cấp độ VOI và VUM dành cho các biến chủng đang được giám sát đều thấp hơn VOC (biến chủng gây lo ngại) mà WHO đã phân loại cho các dòng xuất hiện trong giai đoạn 2019-2021 như chủng gốc, Alpha, Delta, Omicron ban đầu. Như vậy, từ khi Omicron xuất hiện đến nay vẫn chưa có thêm dòng SARS-CoV-2 nào được đánh giá là làm thay đổi quỹ đạo của đại dịch.
Theo thông tin từ VTV News, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.554.875 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.771 ca nhiễm).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong ngày hôm qua (27/4), số ca mắc ghi nhận là 2.958, có 1.062 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi lên 10.619.813 ca. Hiện có 85 bệnh nhân đang thở oxy, trong đó có 75 ca thở oxy qua mặt nạ, 3 ca thở oxy dòng cao HFNC, 6 ca thở máy xâm lấn, 1 ca thở máy không xâm lấn.