Theo báo cáo, số ca COVID-19 tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 7, số ca COVID-19 nặng tiên lượng tử vong xin về là 10.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, chiều 3/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổng hợp tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu từ các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế ngành.
Theo đó, sau 4 ngày nghỉ lễ (từ 7 giờ ngày 29/4 đến 7 giờ ngày 3/5), tổng số người bệnh khám, cấp cứu là 270.031 người bệnh. Trong đó, số người bệnh nhập viên điều trị nội trú là 99.747 người bệnh. Số người bệnh ra viện là 72.977 người bệnh. Số người bệnh chuyển viện là 8.247 người bệnh.
Số người bệnh tử vong bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về là 1.241 trường hợp.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, số trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, theo dõi là 5.725 người bệnh. Số người bệnh tử vong do tai nạn giao thông bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về là 82 người bệnh.
Liên quan đến công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết sau 4 ngày nghỉ lễ, tổng số người bệnh khám COVID-19 là 4.618 trường hợp.
Số người bệnh COVID-19 nhập viện điều trị nội trú là 2.477 người bệnh. Số người bệnh COVID-19 chuyển viện là 176 người bệnh và số ra viện là 1.684 người bệnh.
Cũng theo báo cáo này, số bệnh nhân COVID-19 tử vong, bao gồm cả trường hợp tiên lượng tử vong xin về là 17 người bệnh. Trong đó, ca COVID-19 tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 7 người bệnh và số ca COVID-19 nặng tiên lượng tử vong xin về là 10 người bệnh.
Theo thông tin từ Báo Người Lao Động, trước đó, tại công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc bảo đảm công tác khám, chữa bệnh trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/3 và 1/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã yêu cầu các bệnh viện không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu người bệnh.
Các cơ sở y tế tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác...
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng lưu ý trong trường hợp có diễn biến đặc biệt như bùng phát dịch COVID-19 và các dịch bệnh nguy hiểm, cấp cứu thảm hoạ, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm và các trường hợp đặc biệt khác, đề nghị đơn vị có báo cáo khẩn về cơ quan quản lý trực tiếp để kịp thời giải quyết.