Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường cho biết, lúc nhập viện, tình trạng hoại tử bàn chân của mẹ chị B. đã nặng, không đáp ứng điều trị. Do đó, bệnh nhân buộc phải cắt cụt bàn chân để phòng nhiễm trùng lan rộng.
Theo thông tin từ Dân Trí, chị P.T.B. (37 tuổi) và mẹ (65 tuổi) nằm chung phòng ở một bệnh viện tại TPHCM. Nhìn chân mẹ vừa bị cắt cụt, chị B. bật khóc kể: "Gia đình tôi có 7 người bị tiểu đường, bà ngoại mất cũng do biến chứng bệnh. Không ngờ bệnh quá đáng sợ, qua một đêm khiến mẹ đã tàn phế".
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường cho biết, lúc nhập viện, tình trạng hoại tử bàn chân của mẹ chị B. đã nặng, không đáp ứng điều trị. Do đó, bệnh nhân buộc phải cắt cụt bàn chân để phòng nhiễm trùng lan rộng.
Khai thác bệnh sử, mẹ chị B. bị bệnh tiểu đường hơn 15 năm. Còn chị và các em trong nhà phát hiện >tiểu đường nhưng không điều trị, vì nghĩ bệnh không nguy hiểm. Ngoài người mẹ, thời điểm nhập viện, chị B. đã trong tình trạng chân trái sưng phù, đau nhức, nhiễm trùng nặng, không đi được, sốt cao.
May mắn hơn người mẹ, sau nhiều ngày điều trị tích cực, truyền kháng sinh, rạch dẫn lưu mủ, cắt lọc hoại tử và hút áp lực âm kết hợp dùng nhiều loại thuốc, chị B. hết sốt và đau nhức, chân giảm châm chích, vết thương nhanh lành và giữ lại được bàn chân.
Tại giường bệnh, chị B. cho biết lúc chưa lấy chồng chỉ nặng 50kg, nhưng khi mang thai lần đầu đã tăng cân lên 80kg.
Năm 2013, thời điểm mang thai bé thứ 3, cân nặng của người phụ nữ đã lên đến 110kg. Vì kèm tiểu đường thai kỳ, bệnh nhân phải mổ cấp cứu. Em bé khi chào đời nặng đến 5,2kg.
Đến năm 2022, khi đi khám tổng quát, chị B. phát hiện tiểu đường type 2 và loét dạ dày, được cho uống thuốc nhưng bỏ điều trị. Gần đây, cổ chân trái người phụ nữ xuất hiện nốt thâm đen, sưng phù. Bệnh nhân tự nặn mủ và mua kháng sinh uống nhưng tình trạng ngày càng nặng, phải đi cấp cứu.
"Hơn 10 năm qua, thi thoảng tôi nổi nhọt ở bụng nhưng đắp thuốc hút mủ là hết. Hai chân tôi hay tê buốt, châm chích như có kiến bò, nhưng tôi không nghĩ đây là dấu hiệu đang bị tiểu đường", chị B. nói.
Dẫn tin từ VTV, tại Việt Nam, có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường, trong đó hơn 55% người bệnh đã có biến chứng. Biến chứng tổn thương trên bàn chân người tiểu đường có thể nhiễm trùng, hoại tử đưa ra thách thức trong điều trị nhằm bảo vệ bàn chân lành lặn cũng như tính mạng cho người bệnh.
Kiểm soát tốt đường huyết bằng thuốc, chế độ ăn, tập luyện thể dục cùng chăm sóc bàn chân đúng cách hàng ngày giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng bệnh tiểu đường, trong đó có biến chứng bàn chân.
Biến chứng tiểu đường phần lớn do lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài không kiểm soát gây tổn thương mạch máu nhỏ, mạch máu lớn. Khi hệ thống mạch máu bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thần kinh, mắt, thận, tim,…
Biến chứng tiểu đường được chia ra 2 nhóm, biến chứng mạch máu nhỏ và biến chứng mạch máu lớn bao gồm:
Các biến chứng mạch máu nhỏ ở người bệnh tiểu đường:
1. Bệnh võng mạc đái tháo đường
Nguyên nhân phổ biến gây mù lòa ở bệnh nhân tiểu đường. Bệnh xuất hiện khi mạch máu nhỏ tổn thương, phình mao mạch võng mạc (bệnh võng mạc nền) gây tăng sinh mạch máu (bệnh võng mạc tăng sinh) và phù hoàng điểm. Bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm, các triệu chứng thấy rõ khi bệnh tiến triển nặng bao gồm: nhìn mờ, bong thủy tinh thể, bong võng mạc, mất thị lực một phần hoặc toàn bộ. Để phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường, người bệnh phải kiểm tra võng mạc thường xuyên hàng năm. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị thành công cao, ngăn ngừa mất thị lực.
2. Bệnh thận đái tháo đường
Nguyên nhân chính gây ra suy thận mạn ở người bệnh tiểu đường. Bệnh xuất hiện khi màng đáy cầu thận dày lên, tăng sinh gian mạch và xơ cứng cầu thận. Những thay đổi này gây tăng áp lực cầu thận và suy giảm dần mức lọc cầu thận. Bệnh thận đi kèm tăng huyết áp đẩy nhanh tiến triển bệnh. Bệnh thường không có triệu chứng cho tới khi hội chứng thận hư hoặc suy thận mạn.
3. Bệnh thần kinh đái tháo đường
Là hậu quả của thiếu máu thần kinh do bệnh vi mạch, ảnh hưởng trực tiếp của đường huyết lên tế bào thần kinh và những thay đổi trao đổi chất nội bào làm giảm chức năng thần kinh. Bệnh thần kinh đái tháo đường được chia ra nhiều dạng bao gồm:
Bệnh thần kinh ngoại biên: bệnh thần kinh thường gặp nhất ở bệnh nhân tiểu đường, ảnh hưởng trên dây thần kinh bàn chân và cẳng chân, một số trường hợp bị ở bàn tay và cẳng tay. Khoảng ⅓ đến ½ bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thần kinh ngoại biên. Triệu chứng bệnh bao gồm: tê, ngứa, mất cảm giác bàn chân,…
Bệnh thần kinh tự chủ: Ảnh hưởng đến thần kinh tự chủ của hệ tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu, cơ quan sinh dục, mắt, tuyến mồ hôi… gây mất khả năng nhận biết dấu hiệu hạ đường huyết.
Bệnh đơn dây thần kinh: Tổn thương các dây thần kinh đơn lẻ thường gặp ở tay, đầu, thân mình hoặc chân. Tổn thương chèn ép lên dây thần kinh gây hội chứng ống cổ tay làm đau, tê, teo cơ bàn tay…
Bệnh đám rối – rễ thần kinh: Tổn thương dây thần kinh gây teo cơ. Bệnh đa dây thần kinh, biểu hiện đau một bên đùi, sụt cân, yếu vận động.
4. Biến chứng mạch máu lớn liên quan xơ vữa động mạch của các mạch lớn
Ở mạch máu não gây đột quỵ do xuất huyết não, nhũn não; đôi khi có cơn thiếu máu não thoáng qua. Người mắc đái tháo đường làm tăng nguy cơ đột quỵ não từ 150 – 400%. Nguy cơ sa sút trí tuệ liên quan với đột quỵ, tái phát và tử vong do đột quỵ ở người đái tháo đường đều cao hơn.
Ở tim gây bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường có thể không đau, khi chụp mạch vành tổn thương mạch vành của bệnh nhân đái tháo đường thường nhiều chỗ và nhiều nhánh.
Ở mạch máu ngoại vi gây tắc mạch chi, hoại tử chi đặc biệt ở bệnh nhân hút thuốc lá nhiều. Hoại tử chi thường gặp ở các ngón chân, ngón chân bệnh nhân thâm đen (thường bị hoại tử khô vì không có nhiễm trùng), nếu không điều trị kịp thời có thể mất ngón chân.
Ngoài ra xơ vữa động mạch cũng góp phần gây rối loạn cương, loét chân. Một số biến chứng khác hiếm hơn như phình động mạch chủ bụng, tắc mạch mạc treo.
5. Các biến chứng tiểu đường khác
Nhiễm toan ceton: biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường do tăng đường huyết trong thời gian dài không kiểm soát, tăng ceton trong máu và nhiễm toan chuyển hóa. Đường trong máu cao tăng áp lực thẩm thấu niệu với mất nhiều nước và điện giải. Biểu hiện: nôn, buồn nôn, đau bụng, hôn mê thậm chí tử vong.
Biến chứng bàn chân đái tháo đường: tình trạng nhiễm trùng, loét, hoại tử vùng bàn chân xảy ra phổ biến. Nguyên nhân do bệnh mạch máu, thần kinh và suy giảm miễn dịch.
Các bệnh nhãn khoa không liên quan đến võng mạc tiểu đường như: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, trầy xước giác mạc, bệnh thần kinh thị giác.
Bệnh gan mật: gan nhiễm mỡ không do rượu, sỏi mật, xơ gan.
Da liễu: nhiễm trùng nấm da, loét chi dưới, bệnh da do đái tháo đường, u hạt hoại tử, bệnh xơ cứng bì hệ thống do đái tháo đường, bạch biến, u hạt tiêu…
Trầm cảm, sa sút trí tuệ.
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh