Đưa con tới khám tại Bệnh viện An Việt khi có dấu hiệu sốt, ho nhiều, chảy mũi và khó thở, vợ chồng anh A. ở Cầu Giấy - Hà Nội bất ngờ khi nghe các bác sĩ kết luận con bị viêm phổi vì biến chứng từ cúm.
Vợ chồng anh cho biết đã tiêm vaccine phòng cúm cho con nên không nghĩ con lại bị cúm. Chính vì thế, vợ chồng anh có phần chủ quan khi nghĩ con chỉ bị sổ mũi thông thường cho tới khi các triệu chứng trở nặng mới đưa con tới bệnh viện may mà vẫn chưa quá nặng.
Chia sẻ về trường hợp trên, PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An – Nguyên Trưởng khoa Tai mũi họng Trẻ em của Bệnh viện Tai Mũi Họng TW hiện là Giám đốc Bệnh viện An Việt cho biết suy nghĩ của vợ chồng anh A. cũng là suy nghĩ của rất nhiều bậc phụ huynh khác.
Nhiều người nghĩ rằng đã tiêm vaccine cúm cho con rồi thì con sẽ không bị nữa nhưng thực tế không phải như vậy. Hiện vaccine cúm chỉ phòng cúm A và cúm B, hai loại cúm phổ biến nhất trong khi virus cúm có rất nhiều chủng khác nhau.
Vì thế, trẻ đã tiêm vẫn hoàn toàn có thể bị cúm. Nếu biết cách kiểm soát sớm thì cúm sẽ không ảnh hưởng đến phổi và không gây nguy hiểm.
Về cách điều trị cúm tại nhà cho các bậc phụ huynh, PGS Hoài An cho biết, dấu hiệu đầu tiên, nhẹ nhất là sổ mũi. Khi đó cần phải can thiệp ngay bằng thuốc. Thuốc lúc đó rất đơn giản chỉ là các thuốc cảm cúm thông thường. Các loại siro cảm cúm ở đâu cũng bán. Các loại thuốc này giúp trẻ khô mũi, hết ngạt mũi.
Khi bị cúm có sốt cần hạ nhiệt cho trẻ, dùng thuốc hạ sốt và đắp khăn. Nếu trẻ xuất hiện triệu chứng ho có thể dùng các loại siro ho đơn giản.
PGS. Hoài An cho biết nếu không điều trị ở giai đoạn sớm để trẻ ho nhiều, chảy mũi, sốt và nhịp thở nhanh thì đó chính là dấu hiệu của viêm phổi cần đưa trẻ tới các cơ sở y tốt nhi tốt để điều trị tích cực tránh những biến chứng xấu xảy ra.
Bác sĩ Bệnh viện An Việt cũng cho biết, trẻ em nhiễm virus cúm hay virus hợp bào đường thở xâm nhập rất dễ gây ra viêm phổi và nếu chúng ta không điều trị tích cực từ sớm thì nó có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Chính vì thế, trong mùa đông các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý bảo vệ sức khoẻ cho con em mình.
Đầu tiên, bố mẹ cần giữ ấm cho trẻ về hơi thở. Cần cho trẻ mặc đủ ấm, đi tất cho trẻ để trẻ không bị lạnh chân và khi ra đường nhớ đeo khẩu trang cho trẻ. Đeo khẩu trang giúp trẻ không phải hít khí lạnh trực tiếp cũng như một số loại vi khuẩn, virus hay bụi bặm cũng được chặn lại giúp trẻ không bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
Khi về đến nhà để trẻ ở trong môi trường ấm áp, bật điều hoà ấm hoặc lò sưởi. Lúc này, hãy nới quần áo cho trẻ và cho trẻ hoạt động bình thường.
Cha mẹ cũng hết sức lưu ý về vệ sinh mũi họng, đây là điều vô cùng quan trọng. Cần xịt mũi cho bé buổi sáng và tối bằng nước mũi biển để các loại bụi bặm hay dị nguyên xâm nhập vào mũi được rửa sạch, tránh nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cho trẻ trong mùa đông.
Cần cho trẻ uống đủ nước, điều này giúp cho toàn bộ hệ thống dịch nhầy luân chuyển của mũi hoạt động bình thường. Nó giúp đẩy hết vi khuẩn, virus ra khỏi đường hô hấp của cơ thể.
Một điều nữa bố mẹ cần lưu ý là chế độ ăn phải đầy đủ chất, các yếu tố vi lượng và vitamin. Ăn cả rau và hoa quả bên cạnh thịt, cá… để phòng tránh nhiễm lạnh đường hô hấp trên.