7 bệnh nhân trong vụ ngộ độc botulinum đã xuất viện, hai bệnh nhân nặng còn lại cần theo dõi thêm.

Hương Hương (t/h) 11:56 06/04/2023

Mới đây, theo thông tin từ VnExpress, ngày 6/4, bác sĩ Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc, cho biết 7 bệnh nhân xuất viện chiều qua, trong tình trạng khỏe mạnh.Hai bệnh nhân còn lại đang được theo dõi, do đây là những người bị ngộ độc nặng, từng thở máy.

"Hiện >sức khỏe hai người tiến triển, ăn uống bình thường, có thể xuất viện trong 5-7 ngày tới nếu diễn tiến lâm sàng tốt", ông Mười nói, thêm rằng họ từng bị biến chứng rối loạn nhịp thở, nguy cơ loạn nhịp, ngừng tim rất cao, nên cần cẩn trọng.

Bệnh nhân ngộ độc. Ảnh: VnExpress

 

Từ ngày 7 đến 16/3, 10 người ở huyện Phước Sơn bị ngộ độc sau khi ăn cá chép muối chua, trong đó một trường hợp tử vong. Kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối chua xác định họ bị >ngộ độc botulinum. Để điều trị, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) mang 5 lọ thuốc giải độc đến >Quảng Nam hỗ trợ cứu người. Đây là thuốc rất hiếm, thông thường Việt Nam không dự trữ hoặc cả nước chỉ có vài lọ. Ba bệnh nhân nặng nhất được tiêm thuốc giải độc.

Các bệnh nhân đã được xuất viện. Ảnh: Người Lao Động

Thông tin từ Báo Người Lao Động cho hay, Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Đây là độc tố được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí).

Trước đó, ở một số địa phương như tỉnh Kon Tum, tỉnh Bình Dương, Hà Nội... đã xảy ra một số trường hợp bệnh nhân ngộ độc do độc tố botulinum. Người bệnh bị ngộ độc do botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ, lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.

 

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường chỉ xảy ra với các loại thực phẩm đóng kín trong môi trường thiếu không khí (trong hộp, chai, lọ, can, lon, bao, túi) trong khi điều kiện sản xuất bị nhiễm bẩn và môi trường bên trong thực phẩm không đảm bảo.

Botulinum là chất cực độc. Độc tố này chưa đến 0,1 mg đã có thể gây tử vong, có thể coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay. Đáng nói là ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum trên thực tế xảy ra không thường xuyên, yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên việc chẩn đoán xác định rất khó khăn.

 

"Các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào >tử vi khuẩn (quy trình sản xuất không đảm bảo sạch), sau sản xuất thực phẩm được đóng gói kín như chai, lọ, hộp, lon, túi, trong khi đó không đủ độ chua, độ mặn như trên thì rõ ràng tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum"- bác sĩ Nguyên nói.

Ngoài ra, loại thực phẩm có nguy cơ có thể là từ các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản… lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.

Hương Hương (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe