Mới đây, PGS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra thông tin mới về thời gian tiêm mũi 5 vắc-xin COVID-19.
Trả lời thông tin trên Báo Người Lao Động, việc tiêm vắc - xin có thể được nhắc lại, ông cho hay: Với vắc-xin >COVID-19, sau khi thực hiện các mũi tiêm cơ bản, có loại vắc-xin tiêm 2 liều, có loại tiêm 3 liều nhưng sau đó chúng ta vẫn thực hiện tiêm bổ sung và nhắc lại do miễn dịch giảm theo thời gian.
Còn vấn đề có tiêm các mũi nhắc lại tiếp theo (mũi 5) thì hiện nay dịch COVID-19 vẫn phức tạp, do đó việc tiêm các mũi nhắc lại là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện theo lịch trình thế nào cần phải dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế. Ngoài ra, cũng cần dựa trên các nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 có biến chủng và làm vô hiệu hóa vắc-xin hay không.
- Từ thực tế này, có ý kiến đã nêu quan điểm về việc tiêm vắc-xin mũi nhắc lại thứ 5. Việc tiêm nhắc lại có thể sau 4 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc thực hiện tiêm hằng năm theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng vẫn tiêm các mũi vắc-xin COVID-19 theo lịch trình các mũi tiêm cơ bản, tiêm bổ sung và tiêm mũi nhắc lại mà Bộ Y tế đã ban hành.
Theo thông báo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, đến nay đã có hơn 266,1 triệu liều vắc-xin được tiêm trong đó 17,54 triệu liều tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người từ 18 tuổi. Việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 vẫn là biện pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. Việc tiêm vắc-xin đã giúp chúng ta kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và mở cửa cho các hoạt động kinh tế xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi khuyến cáo cần bảo vệ cho nhóm dễ bị tổn thương như: Người già, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vắc-xin cần được tiêm đủ liều và tiêm các mũi nhắc lại vì những đối tượng này khi mắc bệnh dễ bị chuyển nặng và nguy cơ tử vong cũng cao hơn.
Theo VnExpress, trước đó, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị hành khách nên đeo khẩu trang trên các chuyến bay đường dài để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến chủng XBB.1.5.
Tại châu Âu, biến chủng phụ XBB.1.5 được phát hiện với số lượng nhỏ, nhưng tốc độ tăng lên nhanh chóng, WHO cho biết trong cuộc họp báo ngày 10/1.
Theo bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao về tình trạng khẩn cấp của WHO tại châu Âu, người dân nên đeo khẩu trang tại các địa điểm có rủi ro cao như những chuyến bay đường dài.
"Đây cũng là khuyến nghị đối với hành khách di chuyển từ những khu vực Covid-19 đang lây lan nhanh chóng. Các quốc gia cần kiểm tra kết quả xét nghiệm của người dân trước khi khởi hành, thực hiện biện pháp kiểm dịch khi đi lại mà không có sự phân biệt đối xử", bà nói thêm.
Tiến sĩ Smallwood đề xuất các phương pháp như giám sát trình tự gene virus, xét nghiệm hành khách từ các quốc gia khác, giám sát xung quanh các điểm nhập cảnh tại sân bay.
XBB.1.5 là biến chủng phụ mới nhất của Omicron, dễ lây lan và đang chiếm ưu thế toàn cầu. Nó bắt nguồn từ XBB, được phát hiện lần đầu hồi tháng 10, là phiên bản tái tổ hợp của hai biến chủng Omicron khác. Hiện WHO chưa có bất kỳ dữ liệu nào về mức độ nghiêm trọng hoặc bức tranh lâm sàng về tác động của XBB.1.5.
Theo dữ liệu của WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc vào đầu tháng này, XBB chưa xuất hiện hoặc xuất hiện với số lượng thấp ở nước này. Trung Quốc chủ yếu ghi nhận BA.5.2 và BF.7.
Nhiều nhà khoa học, trong đó có các thành viên WHO, tin rằng số liệu thống kê từ Trung Quốc chưa phản ánh đầy đủ tình hình dịch bệnh. Theo bà Smallwood, định nghĩa về số ca tử vong của nước này hẹp, chưa đủ bao quát. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố luôn "công khai và minh bạch" các thông tin về Covid-19 trong gần ba năm đại dịch.