Người nhà đưa bé đến trong tình trạng ho sặc sụa, khó thở, dị vật chiều dài 3 cm tại vị trí carina và phế quản gốc phải là một đầu bút bi.
Theo thông tin từ Zing, thời điểm nhập viện, nồng độ oxy máu (SpO2) của bé P.K.N. (7 tuổi, sống ở TP Hạ Long) giảm chỉ còn 93%. Trên phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, các bác sĩ phát hiện dị vật chiều dài 3 cm tại vị trí carina và phế quản gốc phải.
Sau khi hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ quyết định nội soi để gắp vỏ đầu bút bi ra khỏi cơ thể trẻ.
Dị vật kích thước lớn nằm sâu trong khí phế quản, khiến đường thở bị chèn ép. Điều này khiến trẻ có nguy cơ gây suy hô hấp, các bác sĩ phải gắp rất nhanh và thận trọng.
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết dị vật đường thở là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, có thể gây suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Theo thông tin từ Báo VietNamNet thời gian gần đây, hàng loạt bệnh nhi nguy kịch vì hóc phải xương lợn khi vừa ăn vừa chơi, nuốt đầu bút bi, đạn nhựa…
Theo Báo An Ninh Thủ Đô, trong tháng 1-2023, Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một chuỗi 5 ca bệnh là các bé trong độ tuổi nhỏ (1-3 tuổi) hóc dị vật: Bé Q.A (14 tháng, Quảng Ninh) hóc xương lợn vào phế quản gốc phải do trẻ vừa ăn vừa chơi, chạy nhảy; Bé K.A (3 tuổi) hóc vỏ hạt bí do bố mẹ không chú ý để con tự ý ăn hạt bí trên bàn; Bé T.L (2,5 tuổi) hóc hạt hướng dương; Bé M.L (2 tuổi) nuốt phải viên đạn nhựa, Bé H.N 17 tháng tuổi đã bị dị vật mảnh nhựa của đồ chơi trong đường thở.
Ở tháng 2-2023, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục tiếp nhận cấp cứu nhiều >trẻ hóc dị vật. Điển hình là trường hợp cháu N.Đ.T (7 tuổi) ở Thái Bình, bố mẹ đi làm xa, ở nhà với ông bà ngoại. Ngày 24-2, trong lúc chơi với các bạn ở lớp, không may nuốt phải đầu bút bi. Ngày hôm sau, cháu có biểu hiện thở rít lặp lại gần nhau, kèm theo ho, cháu khám ở bệnh viện tuyến huyện, được chẩn đoán là có dị vật trong đường thở nên chuyển Bệnh viện tuyến tỉnh rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Cháu Đ.V (9 tuổi, Hà Nam) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải đặt nội khí quản để chuyển từ Bệnh viện tuyến tỉnh lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Nguyên nhân do trong lúc chơi đùa với bạn, Đ.V bất cẩn nuốt đầu bút gây bít kín đường thở khiến tình trạng suy hô hấp nặng nề. Do dị vật có kích thước lớn 1,0 x 1,0cm, khẩu kính phế quản của trẻ lại nhỏ nên rất khó khăn để lấy dị vật.
Thạc sĩ Phùng Đăng Việt, Trưởng Khoa Khám và Thăm dò hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nếu dị vật bít kín đường thở nhưng không xử trí kịp thời sẽ gây nhiều nguy cơ cho trẻ. Có trẻ viêm phế quản, viêm phổi, xẹp phổi, áp xe phổi, nặng hơn là suy hô hấp, di chứng não do thiếu oxy hoặc thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.
Nhiều người cũng cho rằng dị vật đường thở thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi (lứa tuổi thích khám phá, đưa các vật thể vào miệng), trong khi tai nạn này vẫn xảy ra với nhóm trẻ lớn từ 7-10 tuổi.Bác sĩ Việt khuyến cáo khi nghi ngờ trẻ hóc sặc dị vật, gia đình nên đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất; tránh những thao tác sơ cứu không đúng có thể vô tình đẩy dị vật sâu hơn, khiến tình trạng của trẻ nguy hiểm hơn.