Chỉ vì sợ nhiễm COVID-19, người mẹ không đưa con đến bệnh viện mà chỉ dùng thuốc thoa mua ngoài tiệm thuốc Tây, khiến mặt bé sần sùi, mưng mủ nặng nề.
Bệnh viện (BV) Da Liễu TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp bị tổn thương nặng nề khuôn mặt vì điều trị nấm da sai cách.
Bệnh nhi là bé B.V.B.Y (8 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) được gia đình đưa đến BV Da Liễu TP.HCM khám trong tình trạng da vùng mặt bị tổn thương nặng.
Mẹ bé cho biết ban đầu bé Y. bị phát ban và lấm chấm ít mụn mủ ở vùng mắt, thái dương trái khoảng 1-2 cm.
Do dịch bệnh chị ngại đưa bé đến BV khám nên ra nhà thuốc và được nhân viên nhà thuốc bán cho thuốc bôi.
Sau bôi vài ngày tình trạng da có cải thiện nhưng mấy ngày sau lại bùng phát dữ dội hơn, da bé sần sùi, đóng mài, mưng mủ kèm ngứa... lan ra khoảng 2/3 khuôn mặt bé. Lo lắng nên gia đình vội đưa bé lên BV Da Liễu TP.HCM để khám.
Ths.BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng Khoa Thẩm mỹ da – BV Da Liễu TP.HCM cho biết bé B.V.B.Y. bị nấm da.
"Đây là bệnh lý da khá thường gặp, không quá nghiêm trọng và có thể điều trị khỏi hoàn toàn sau 1-2 tuần với các thuốc kháng nấm.
Tuy nhiên trong trường hợp bệnh nhi này do sử dụng thuốc bôi chứa corticoid trong thời gian dài nên thương tổn bị lan rộng, khiến bệnh nhi ngứa ngáy, khó chịu, cào gãi nhiều gây bội nhiễm thêm vi trùng khiến da bị tổn thương nghiêm trọng" - BS Ánh Tú nói.
Theo BS Tú, việc sử dụng các thuốc bôi ngoài da không theo chỉ định của bác sĩ da liễu sẽ không thể giúp da khỏi bệnh được mà ngược lại làm tổn thương da càng nặng hơn, lan rộng hơn.
Chưa kể các loại thuốc bôi này còn có khả gây kích ứng, dị ứng làm da bong tróc, đỏ rát, sưng nề, nổi mụn nước, rỉ dịch...
Đặc biệt đối với những người đã có các bệnh lý da sẵn thì tình trạng tổn thương da càng trầm trọng, nhiều trường hợp đã phải nhập viện điều trị.
"Thời gian để phục hồi lại các thương tổn da này thường lâu và không phải tất cả các trường hợp đều phục hồi lại được làn da như ban đầu" - BS Ánh Tú thông tin thêm.
Về nguyên nhân gây nấm, theo BS Ánh Tú, có thể do người bệnh nhiễm từ bào tử nấm có trong không khí và môi trường xung quanh, thú nuôi trong nhà như chó, mèo bị bệnh và lây cho người, hay từ người bệnh lây sang người lành...
"Với trường hợp bệnh nhi này, cha mẹ bé cho biết nhà có nuôi chó và bé hay ôm, chơi đùa với chó nên chúng tôi cũng không loại trừ nguyên nhân nhiễm nấm đến từ loại thú nuôi này." BS Tú nói.
Để đề phòng bệnh nấm da và các bệnh ngoài da khác, BS Ánh Tú khuyến cáo vệ sinh da sạch sẽ, giữ cơ thể khô ráo, tránh mặc quần áo ẩm ướt.
Quần áo phải được giặt sạch, phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Không dùng chung đồ dùng cá nhân: khăn mặt, quần áo, vớ, khẩu trang… nhất là với người đang nhiễm nấm da. Nấm có thể sống ký sinh trên cơ thể của chó, mèo… vì thế cần giữ vệ sinh cho thú nuôi, tránh để lông chúng ẩm ướt và dơ bẩn trong thời gian dài.
Đặc biệt nếu có nghi ngờ nguồn lây nhiễm nấm da từ động vật thì nên đưa chúng đến các phòng khám thú y để được điều trị.
Khi bị nhiễm nấm, người dân cần đến khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết.
Không nên tự mua thuốc về điều trị không những bệnh không khỏi mà còn làm bệnh nặng thêm.