Dây rốn cuốn vào thân khiến nhịp tim thai của bé lộ rõ dấu hiệu bất thường, may mắn, các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời.

Tiểu Ngọc (t/h) 13:56 17/01/2023

Theo thông tin từ VTV cho hay, trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Phú Thọ) vừa phẫu thuật cấp cứu lấy thai thành công cho sản phụ 26 tuổi, khi thai nhi có dây >rốn thắt nút và dây rốn cuốn thân nguy hiểm.

Sản phụ H.T.H., >mang thai tuần thứ 40, đến khám thai định kỳ tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông theo lịch hẹn. Trong quá trình thăm khám, sản phụ được chạy máy monitor sản khoa, phát hiện nhịp tim thai bất thường.

Sản phụ ngay lập tức được các bác sĩ tư vấn, giải thích và chỉ định nhập viện. Trong quá trình theo dõi sát sao tại Khoa Phụ sản, bác sĩ nhận thấy nhịp tim thai không có tiến triển nên đã hội chẩn và thống nhất mổ cấp cứu.

Bé sơ sinh chào đời với dây rốn thắt nút, cuốn thân. Ảnh: VTV

Trong quá trình phẫu thuật, ê-kíp phát hiện em bé trong tình trạng dây rốn thắt nút và dây rốn cuốn thân. Sau 1 giờ đồng hồ khẩn trương, nhanh chóng, em bé đã chào đời an toàn trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình và ê-kíp phẫu thuật.

Theo thông tin từ VnExpress, một trường hợp nguy hiểm hơn xảy ra với sản phụ Lê Thị Thúy (32 tuổi, quê ở Nghệ An) mang song thai chung một bánh rau, một buồng ối; 2 dây rốn xoắn lấy nhau và cả 2 đều bị thắt nút. Đây là trường hợp khá hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 0,3-2% >thai phụ, ít được mô tả trong y văn.

Trong suốt thai kỳ, sản phụ thăm khám theo đúng lịch trình và chỉ định của bác sĩ. Chị Thúy được bác sĩ tư vấn mổ chủ động ở mốc 37 tuần 6 ngày thai. Các bé chào đời có chỉ số cân nặng lần lượt là 2,6 kg và 2,3 kg khỏe mạnh, khóc to, sản phụ ổn định.

Thắt dây rốn là tình trạng hiếm gặp, ít ghi nhận trong y văn. Ảnh: VnExpress

Theo bác sĩ Hà, mặc dù đã thăm khám, siêu âm theo dõi tình trạng thai phụ trong suốt thai kỳ, thế nhưng ngay khi đưa 2 em bé ra ngoài, bác sĩ cũng phải ngạc nhiên khi lần đầu tiên chứng kiến tình trạng dây rốn như trên. Về lý thuyết, dây rốn thường dài từ 40-60 cm, đường kính 1,5-2 cm, có vai trò vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng từ nhau thai tới bào thai. Xoắn dây rốn xảy ra khi số lượng vòng xoắn vượt khỏi giới hạn chịu lực của dây rốn. "Đây là một trường hợp hy hữu, gần 40 năm trong nghề bác sĩ sản, tôi chưa từng gặp ca sinh nào đặc biệt như vậy", bác sĩ Hà cho biết.

BSCKI. Điêu Văn Hưng - Phó trưởng Khoa Phụ sản, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cho biết: Trường hợp sản phụ H. có dây rốn thắt nút rất nguy hiểm, may mắn là gia đình sản phụ đã đến Trung tâm thăm khám kịp thời. Hiện tại cả mẹ và bé đều khỏe mạnh, em bé hồng hào, ăn bú tốt và chuẩn bị được xuất viện.

Dây rốn đảm nhận vai trò quan trọng khi vận chuyển oxy và dưỡng chất từ mẹ sang thai nhi, đảm bảo sự sống của bé khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, dây rốn thắt nút sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai, dẫn tới thai nhi bị thiếu oxy. Khi dây rốn thắt nút chặt hoặc bị chèn ép sẽ gây ra tình trạng suy thai và mất tim thai của bé.

Tỷ lệ dây rốn thắt nút chiếm 0,3% - 2,2% các trường hợp mang thai, nhưng tỷ lệ thai nhi tử vong do dây rốn thắt nút cao gấp 4 lần so với thai kỳ bình thường. Trong quá trình em bé bị dây rốn thắt nút, người mẹ thường không có cảm nhận gì hoặc chỉ thấy bé ít đạp nên mẹ dễ chủ quan bỏ qua. Vì vậy, trong quý III của thai kỳ, sản phụ cần được theo dõi sát và đặc biệt chạy Monitor đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa lớn trong quá trình thăm khám thai định kỳ.

Các bác sĩ khuyến cáo: Sản phụ cần chủ động khám thai định kỳ và quản lý thai nghén chặt chẽ để có thể phát hiện sớm tình trạng sức khỏe và tầm soát các dị tật của thai nhi. Nếu thai nhi có các dấu hiệu bất thường như quẫy đạp mạnh hoặc không thấy thai đạp ở những tuần cuối, thai phụ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa sản để được thăm khám và tư vấn phẫu thuật kịp thời.

 

Tiểu Ngọc (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe