Ngày 4/5: Số mắc COVID-19 mới tăng mạnh, lên 2.233 ca
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 4/5 của Bộ Y tế cho biết, có 2.233 ca mắc mới, tăng 1.032 ca so với ngày trước đó; Trong ngày có 89 bệnh nhân khỏi. Bệnh nhân COVID-19 thở oxy tăng lên 130 ca.
Tình hình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.567.728 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.901 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 809 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.624.841 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 130 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 88 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 8 ca
- Thở máy không xâm lấn: 1 ca
- Thở máy xâm lấn: 33 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.195 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Trong ngày 03/5 có 0 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.240.960 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.613.660 liều: Mũi 1 là 70.908.444 liều; Mũi 2 là 68.452.267 liều; Mũi bổ sung là 14.343.895 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.101.446 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.807.608 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.366 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.661.757 liều: Mũi 1 là 10.213.330 liều; Mũi 2 là 8.448.427 liều.
Để bảo vệ nguy cơ mắc và bệnh tăng nặng, người dân cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế. Đặc biệt, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai là những đối tượng nguy cơ cao thì cần tiêm vaccine mũi bổ sung, mũi nhắc lại để bảo vệ được tốt hơn.
Tại TP Hồ Chí Minh các bệnh viện đã sẵn sàng kích hoạt, chuẩn bị thuốc, vật tư, cơ số giường để sẵn sàng điều trị COVID nếu số ca mắc gia tăng sau kỳ nghỉ lễ. CDC TP Hồ Chí Minh còn phối hợp với các đơn vị chức năng tại sân bay, bến xe, khuyến cáo cộng đồng thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch tại nơi công cộng, công tác kiểm soát thân nhiệt từ xa. Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh sẵn sàng tham gia bệnh viện dã chiến nếu nó vận hành trở lại.
Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19. Các bệnh viện xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19, kích hoạt giường điều trị được phân công theo tình hình diễn biến dịch bệnh.
Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Thanh Nhàn, chuyên khoa đầu ngành hồi sức cấp cứu và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, đầu ngành truyền nhiễm rà soát nhân lực, trang thiết bị, quy trình chuyên môn… của mạng lưới hồi sức cấp cứu và truyền nhiễm đảm bảo đáp ứng tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn, tập huấn lại về hồi sức cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.