Trước tình hình dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp, BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có buổi tư vấn sức khỏe trực tuyến về chủ đề "tập thở" cho F0 tại nhà.
Mới đây, BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có buổi chia sẻ với VnExpress về chủ đề "Tư vấn cách thở cho >F0 tại nhà". Bác sĩ cho biết, nếu tốc độ ca mắc Covid-19 mới tăng phức tạp, các trường hợp F0 là người khoẻ mạnh chưa được đi khu cách ly ngay nên biết các biện pháp cần làm trong thời gian chờ đi đến bệnh viện.
Khi trở thành F0, có hai trạng thái người bệnh lo lắng:
Thứ nhất, lo lắng lây cho người thân. Khi đó, F0 cần bình tĩnh và tìm cách làm hạn chế lây cho các thành viên trong gia đình. Nếu trong nhà có người già, người có bệnh nền, cố gắng tự cách ly để giảm nguy cơ cho người nhà nhất là khi hiện nay đã xuất hiện biến thể Delta, 1 người nhiễm thì hầu như cả gia đình đều mắc Covid-19.
Gia đình cần giữ khoảng cách với người bệnh 2 mét, không ăn chung, không ngủ chung, không sinh hoạt chung, có thể không sử dụng nhà vệ sinh chung nếu có nhà vệ sinh riêng. Nếu trong nhà chỉ có 1 nhà vệ sinh, người bệnh nên tự vệ sinh nhà vệ sinh thật sạch để giảm nguy cơ lây lan.
Thứ hai, lo bệnh nặng hay không? Nói về điều này, bác sĩ cho biết nếu là F0 mà trẻ, khoẻ không thừa cân, không có bệnh nền kèm theo thì phần lớn sẽ không có triệu chứng. Hãy bình tĩnh, sắp xếp đồ đạc để sẵn sàng đi cách ly. Dù có mất vị giác, khứu giác thì vẫn nên cố ăn uống, đặc biệt là phải giữ vệ sinh phòng trường hợp những vi khuẩn khác lại tấn công người bệnh. Nếu làm đúng, đa số các trường hợp đến ngày 8 -9 hết bệnh, sau 10 ngày gần như bình phục.
Khi nằm ngủ thở dễ nhưng bỗng thấy mệt, phải ngồi thẳng mới thở được có khả năng bạn đang ngộp thở. Nếu thấy da nhợt nhạt, choáng váng nên bình tĩnh xem tình huống này do hoảng loạn hay do bệnh tiến triển.
Khi được đặt câu hỏi rằng những người bệnh Covid-19 không triệu chứng nên tập thở trong bao lâu, lưu ý như thế nào? Bác sĩ cho hay nên hít chậm và thổi ra bằng miệng 15-20 nhịp mỗi lần.
"Thể trạng tốt không cần tập thở, cảm thấy lo lắng hay mệt mới tập. Tập lúc nằm hoặc ngồi, nằm ngửa ra hít chậm bằng mũi, cho đến khi phình bụng sau đó chu miệng thở ra như thổi lửa 15-20 nhịp mỗi lần, ngày 4-5 lần. Ngồi cũng hít sâu sau đó thở ra. Hít giơ tay lên theo nhịp sau đó thở ra. Nằm sấp hoặc nghiêng 30 phút để thở, kết hợp co chân lên" - bác sĩ trả lời bình luận.
Theo bác sĩ tất cả các bệnh nhân (kể cà người bị bệnh hen suyển) đều có thể tập thở theo cách này bởi "nó giống như tập yoga và thiền, khi hít thở vậy thì nở vùng mặt dưới của phổi, người bình thường thì tập thở như môn thở bình thường".