Bộ Y tế cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, TP, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Theo thông tin từ báo Công an nhân dân, 2 tuần qua, số ca mắc >tay chân miệng nặng nhập viện điều trị liên tục gia tăng. Trong đó, cao nhất tại miền Nam (6.204 ca, 2 người tử vong ở Kiên Giang, Long An), sau đó đến miền Bắc (2.007 ca), miền Trung (316), Tây Nguyên (130 ca, 1 người tử vong ở Đắk Lắk).
Tại TP.HCM, tuần qua đã có gần 200 ca mắc tay chân miệng. Số ca nặng và nhập viện điều trị tại các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố đều tăng gần 50% so với các tuần trước đó. Với sự xuất hiện của chủng virus EV71 làm dấy lên lo ngại về số ca nặng và >tử vong do tay chân miệng nếu không có biện pháp phòng ngừa phát hiện sớm bệnh.
Theo nguồn tin từ Zingnews, trong ngày 3/2, đại diện BV Nhi đồng 2 cho biết, mỗi ngày tiếp nhận, khám và điều trị ngoại trú cho hàng chục trường hợp mắc tay chân miệng. Hiện khoa Nhiễm của BV có 24 trường hợp tay chân miệng phải điều trị nội trú.
Tại BV Nhi đồng TP (TP.HCM), khoa Nhiễm của BV đang điều trị nội trú hai ca trẻ mắc tay chân miệng nặng. Đại diện BV cho biết cách đây 1 tuần, BV không tiếp nhận ca tay chân miệng nào. Tuy nhiên, từ đầu tuần (ngày 29/5), BV bắt đầu ghi nhận có ca tay chân miệng đến thăm khám. Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 5-10 ca trẻ mắc tay chân miệng.
Điển hình, chị T.T.B.L. (40 tuổi, ngụ Bình Phước) cho biết, con chị đang điều trị tay chân miệng ngày thứ 4 tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2. Con chị nhập viện trong tình trạng sốt hơn 39 độ C, môi tím, miệng lở loét, tay chân nổi mụn nước rất nhiều. Bé đi loạng choạng, tay chân run rẩy nên mẹ phải ẵm. Trước đó, bé nóng sốt, biếng ăn nên chị đưa con đến khám tại BV tỉnh. Bác sĩ thấy trong miệng bé nổi hột, chẩn đoán bị viêm họng. Được bác sĩ điều trị nhưng bé lúc nào cũng sốt hơn 39 độ C.
Biểu hiện bệnh tay chân miệng
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, cho biết có một số trường hợp trẻ nhỏ chảy nước miếng, bỏ ăn, sốt cao, nôn ói, tiêu chảy vì bệnh này cũng có thể gây triệu chứng ở đường tiêu hóa. Hay trẻ lớn đau họng, tức ngực, phụ huynh không nghĩ con bị tay chân miệng.
Trường hợp nặng, nhập viện vì lơ mơ, hôn mê, khò khè. Những dấu hiệu này dễ nhầm với bệnh suyễn, suy hô hấp. Thường những trường hợp này do hồng ban ít và kín đáo nên phụ huynh khó nhận biết.
Bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 cho biết, những biểu hiện mà phụ huynh dễ nhận biết là sốt, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông…