Liên quan đến kế hoạch tiêm mũi 3 vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian tới, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã lên tiếng giải đáp thắc mắc của người dân.
Theo báo Giao Thông, tính đến thời điểm này, độ bao phủ mũi 1 vaccine COVID-19 trên toàn quốc ước khoảng 80%, mũi 2 xấp xỉ 40%.
Bài toán về tiêm nhắc mũi 3 được đặt ra khi những mũi tiêm đầu tiên đã được 8 tháng (tháng 3/2021), trước lo ngại về hết hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng COVID-19. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, liệu có nên đưa ra chính sách tiêm dịch vụ với mũi thứ 3, bởi nhu cầu hiện nay là có thật? Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có thông tin thêm xung quanh vấn đề này.
Cụ thể, khi được hỏi về việc tiêm chủng mũi thứ 3, mũi 4 cho những trường hợp đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, ông Tuyên cho biết tổ chức Y tế thế giới, các nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 đến giờ vẫn chưa có bất kỳ hướng dẫn về >tiêm vaccine mũi 4. Chỉ có một số loại vaccine được nhà sản xuất hướng dẫn tiêm mũi 3 nhắc lại.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng cùng Hội đồng vaccine của Bộ họp để xem xét về hiệu lực bảo vệ của vaccine, sau đó mới đưa ra khuyến cáo. Từ đó, Bộ Y tế mới có cơ sở đưa ra hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Hiện nay, để chủ động trong kế hoạch vaccine, Bộ Y tế vẫn đề nghị các địa phương rà soát, dự kiến thống kê số lượng người đã tiêm đủ liều cần nhắc lại mũi 3, mũi 4. Theo ước tính của Bộ Y tế, dự kiến có khoảng 40 - 50% số người đã tiêm mũi 2 sẽ tiêm mũi 3. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể còn phải chờ khuyến cáo của Hội đồng vaccine. Trong kế hoạch tiêm chủng vaccine năm 2022, Bộ Y tế xây dựng cũng đã tính đến nhóm tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4, tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi và đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ hơn dưới 12 tuổi.
Cũng chia sẻ thêm về vấn đề "hiệu quả bảo vệ kéo dài bao lâu", ông Tuyên cho biết Bộ Y tế đang giao cho Hội đồng vaccine họp, đánh giá, tính toán về hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng Covid-19, đồng thời từ đó có khuyến cáo về vấn đề này.
Hiện nay, theo khuyến cáo của một số đơn vị sản xuất vaccine, cần thiết tiêm nhắc lại sau 8 - 12 tháng. Nhưng đó mới chỉ là khuyến cáo, còn triển khai cụ thể ra sao, chúng tôi còn chờ Hội đồng vaccine họp và đưa ra khuyến cáo cụ thể.
Theo VTV, cũng đưa tin về sự việc,Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã có thông tin về kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 năm 2022. Cụ thể, ông cho biết, hiện, kế hoạch này Bộ Y tế đang hoàn thiện, xin ý kiến thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, sau đó tiếp thu, hoàn trình và trình Phó Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói, để phủ mũi 1 và mũi 2 thời gian qua, cùng với ngân sách Nhà nước thì nguồn lực từ huy động đóng góp của người dân, doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay có lẽ sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp sẽ không còn được như trước, bởi tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế là quá lớn. Theo ông, liệu chúng ta có thể tính đến tiêm dịch vụ hay không?
Hiện nay, vaccine phòng COVID-19 vẫn nằm trong kế hoạch tiêm chủng chống dịch, người dân được tiêm miễn phí và đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa tính đến đề xuất tiêm vaccine phòng COVID-19 dịch vụ.
Bộ Y tế đang hoàn thiện trình kế hoạch năm 2022, trong đó, chi phí toàn bộ về tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn sẽ được ngân sách chi trả. Còn lâu dài, nếu dịch bệnh COVID-19 trở thành bệnh lây nhiễm thích ứng thông thường thì khi đó sẽ có giải pháp phù hợp.