Dù có rất nhiều khó khăn, song, bé sơ sinh nặng 700 g đã được nuôi dưỡng thành công với cân nặng 2,4 kg.

Hương Hương (t/h) 10:44 10/03/2023

Thông tin từ Zing News cho hay, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bé gái con của chị N.T.N. (34 tuổi, Nghi Lộc) sinh non 24 tuần 5 ngày, nặng 700 g đã khỏe mạnh xuất viện với cân nặng 2,4 kg.

Đây là trường hợp bé sinh non tháng nhất được nuôi sống thành công tại bệnh viện này.

Chị N. có tiền sử hiếm muộn. Sau khi làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), chị N. mang song thai. Tuy nhiên, bình yên được hơn 24 tuần thai kỳ, thai phụ phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng có dấu hiệu dọa sinh non.

Ngày 25/11/2022, hai bé sơ sinh cực non yếu, một trai, một gái chào đời sau 24 tuần 5 ngày trong dạ mẹ, với cân nặng lần lượt chỉ 600 g và 700 g.

Sau khi chào đời, hai bé không khóc, có biểu hiện suy hô hấp nên ngay lập tức được hồi sức, đặt nội khí quản và chăm sóc trong lồng ấp.

 Bé gái hồi phục thần kỳ trong niềm hạnh phúc của bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và gia đình. Ảnh: Zing News

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Lệ Thi, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh, nhận định đây là trường hợp đặc biệt và khó. Bởi trẻ sinh cực non (dưới 28 tuần thai) và nhẹ cân (dưới 1 kg) tiềm ẩn nhiều nguy cơ sơ sinh như ngạt, suy hô hấp, xuất huyết não và phổi, hoại tử ruột, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa, tan máu vàng da…

Cũng theo Báo Sức khỏe >đời sống, BS.CKII. Bùi Thị Thủy Tiên, Trưởng khoa Sơ sinh, BV. Hùng Vương cho biết bệnh viện từng nuôi sống thành công trường hợp em bé chào đời ở 24 tuần tuổi, chỉ nặng 500g và đến nay bé hoàn toàn khỏe mạnh. Một trường hợp đáng nhớ khác, bé gái nặng chưa đến 1kg khi chào đời tưởng đã không qua khỏi nhưng sau 4 tháng nuôi dưỡng đặc biệt trong lồng kính, đến nay đã được 6 tuổi, thị lực tốt, thể trạng to khỏe, học giỏi, thông minh.

Sau khi bé rời lồng kính, các mẹ được bác sĩ hướng dẫn kỹ thuật đến khi thành thạo. Phương pháp Kangaroo giúp trẻ nhận được hơi ấm từ mẹ (mẹ là lồng ấp tốt nhất cho con), đảm bảo thân nhiệt ổn định, điều hòa nhịp thở, nhịp tim và tuần hoàn. Trẻ cũng được nuôi ăn bằng sữa mẹ giúp chống nhiễm khuẩn, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu. Ngoài ra các bé còn thường xuyên giao tiếp với mẹ kích thích phát triển trí não, hệ thần kinh, giảm tỉ lệ tử vong và bệnh tật.

Những đứa trẻ sinh non tí hon được nuôi sống từ lồng kính. Ảnh: Sức khỏe và đời sống

Cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình hình >trẻ sinh non trên toàn cầu năm 2018 cho biết, sinh non được định nghĩa là trẻ sinh ra còn sống trước 37 tuần mang thai, mức độ non tháng của trẻ sơ sinh được chia thành: cực non (dưới 28 tuần), rất non (28 đến 32 tuần), sinh non và sinh non muộn (32 đến 37 tuần).

Theo WHO, ngăn ngừa sinh non bắt đầu với một thai kỳ khỏe mạnh. Chăm sóc chất lượng trước, giữa và trong khi mang thai để đảm bảo phụ nữ có trải nghiệm mang thai theo chiều hướng tích cực; có chế độ ăn uống lành mạnh và >dinh dưỡng tối ưu, và ngưng sử dụng thuốc lá và chất gây nghiện khi mang thai; siêu âm để giúp xác định tuổi thai và phát hiện đa thai; tối thiểu 8 lần khám thai trong suốt thai kỳ để xác định và quản lý các yếu tố nguy cơ của thai kỳ.

Để phát hiện mình có nằm trong nhóm bà mẹ có nguy cơ chuyển dạ sớm hay không, các >mẹ bầu nên tham khảo những dấu hiệu nhận gồm:

- Đang có thai chưa đến 37 tuần mà đã gặp phải các cơn co thắt tử cung tối thiểu được 1 tiếng đồng hồ.

- Các cơn co thắt diễn ra đều đặn, mỗi 5 - 10 phút/lần, kéo dài 30 giây.

- Khi thăm khám âm đạo, bác sĩ đã thấy cổ tử cung mở hơn 2,5cm và xóa hơn 3/4…

- Đồng thời, âm đạo có thể xuất huyết, vỡ ối sớm, đau lưng, chuột rút. Nếu đã có các dấu hiệu trên, bà bầu cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nhất là khi màng ối đã rách, nguy cơ nhiễm trùng ngược dòng rất cao.

 

Hương Hương (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe