Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành, không ít người đặt ra câu hỏi: Những điều nên làm khi trở thành F0 là gì?

Thư Trang (t/h) 19:53 19/07/2021

Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, với số ca mắc đang tăng cao nhanh chóng, dễ gây quá tải cho các cơ sở điều trị, Bộ Y tế đã cho thực hiện thí điểm cách ly theo dõi tại nhà các ca F0 không có triệu chứng, hoặc nhẹ.

Ắt hẳn, không một ai mong mình bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu vô tình phát hiện mình trở thành F0, lời khuyên được đưa ra là mọi người cần giữ thái độ bình tĩnh, thực hiện các biện pháp phòng hộ cho bản thân và gia đình. Đặc biệt, hãy trang bị những kiến thức cần thiết cho F0, kể cả trong trường hợp cách ly tại nhà hoặc được đưa đến bệnh viện. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, nguyên trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã có những hướng dẫn những điều nên làm khi trở thành F0, F1. 

- Đối với những trường hợp F0 được cách ly tại nhà, hãy nhớ:

  1. Ghi lại ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng. 
  2. Phải giữ khoảng cách trên 2m và luôn đeo khẩu trang đúng.
  3. Tự cách ly trong phòng riêng, tự vệ sinh và giữ thông thoáng trong phòng cách ly.
  4. Uống nhiều nước, uống oresol để bù nước.
  5. Tập thể dục nhẹ nhàng, xem các chương trình >giải trí, thư giãn.
  6. Nằm nghiêng hoặc nằm sấp nếu tư thế này làm cho bạn thấy dễ chịu.
  7. Đo nhịp thở bằng cách đặt bàn tay lên ngực, thư giãn, thở đều và đếm số lần lồng ngực nhô lên trong 1 phút.
  8. Uống Paracetamol nếu sốt ≥ 38,5 độ C. (Người lớn ≤ 70 kg: 1 – 1,5 viên 500 mg/lần; > 70 kg: 2 viên 500 mg/lần. 3-4 lần/ngày, cách tối thiểu 4-6h/lần, không quá 4 lần/ngày. Trẻ em: 10-15 mg/kg/lần, cách 4-6h/lần, không quá 4 lần/ngày. Liều tối đa tính theo cân nặng không được vượt quá 500mg. Không dùng cùng các thuốc cảm cúm khác có chứa paracetamol hoặc acetaminophen. Người có tiền sử dị ứng với Paracetamol hoặc đang bị viêm gan không nên dùng.)

- Đối với trường hợp là F0 được chuyển đến khu cách ly, cũng hãy làm tương tự những điều trên. Đặc biệt, nhớ cẩn thận khi vào nhà vệ sinh, đeo khẩu trang khi đi vệ sinh; nhớ rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, giữ vệ chung trong khu nhà vệ sinh.


Thông điệp 5K của Bộ Y tế 

- Trong trường hợp có 9 dấu hiệu dưới đây, cần tới bệnh viện cấp cứu COVID-19 hoặc bệnh viện gần nhất để cấp cứu:

  1. Độ bão hòa oxy trong máu < 94%.
  2. Nhịp thở > 24 lần/phút.
  3. Đau ngực, cảm giác thắt ngực.
  4. Khó thở khi vận động.
  5. Không thể nói đầy đủ câu.
  6. Bị lẫn lộn về thời gian và địa điểm.
  7. Da xanh, môi nhợt.
  8. Không tự đi, không tự cầm nắm, ăn uống được.
  9. Lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

- Nếu trường hợp là F1 trong khu cách ly, thường xuyên mang khẩu trang đúng, tấm che giọt bắn, hạn chế tối đa mặt đối mặt dưới 2m với người khác, tốt nhất nên tự theo dõi nhiệt độ. Đồng thời uống nhiều nước, xúc miệng, rửa tay, giữ vệ sinh như F0 trong khu cách ly. Phòng thông thoáng là rất quan trọng.

- Nếu là F1 nhưng chưa được đi cách ly. Thực hiện đúng như F1 đang cách ly tại nhà. Bạn có thể chuyển thành F0 hay đang là F0 (cho đến khi có xét nghiệm âm tính), bạn có thể lây cho các thành viên khác trong gia đình. Làm mọi việc giống như F0 mà chưa đi cách ly. Khẩu trang đeo đúng cách, tấm che giọt bắn và khoảng cách trên 2m là rất quan trọng.

- Nếu trong gia đình có người là F0 thì cả nhà là F1 nhưng có thể chưa lây cho nhau nên thực hiện như F1 và chờ đợi.

- Trường hợp ở khu phố, hàng xóm có F0, F1: Khi đó, cần bình tĩnh và hiểu biết rằng vi rút không bao giờ tự nhiên đi vào nhà và tấn công cơ thể mình. Chỉ có tiếp xúc trực tiếp dưới 2 m và không có phòng hộ khuôn mặt mới bị lây bệnh.

Thư Trang (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe