BSCK II Nguyễn Đăng Quốc - Trưởng khoa Thận Nhân tạo (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, Lại Văn Giáp (19 tuổi) là một trong số những trường hợp nhỏ tuổi nhất đang chạy thận ở khoa.
Dẫn từ Người Đưa Tin, Lại Văn Giáp (19 tuổi, ở Ninh Bình) là một trong số những bệnh nhân >chạy thận định kỳ ca sớm nhất của khoa Thận nhân tạo - bệnh viện Thanh Nhàn. Dù đang ở tuổi thanh xuân đẹp nhất, nhưng Giáp đã có thâm niên chạy thận 10 năm nay. Suốt thời gian qua, Giáp luôn ám ảnh về bệnh tật, thậm chí có thời điểm em bi quan tới mức hận chính mình và cả người thân.
Khi 5 tuổi, Giáp bị viêm cầu thận phải đi cấp cứu tại BV Nhi Trung ương và được điều trị ổn định. Khi ra viện, em được các bác sĩ hướng dẫn việc dùng thuốc và chế độ ăn uống chi tiết nhưng tới khi 9 tuổi, Giáp lại phải vào viện một lần nữa vì căn bệnh này.
“Tại viện, các bác sĩ nói em bị suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu màng bụng, nếu không sẽ khó duy trì được sự sống. Nguyên nhân khiến em rơi vào tình trạng nặng như vậy là do không kiêng khem, uống nước theo lời dặn của bác sĩ, lại thường xuyên ăn mặn, ăn nhiều thịt... Lúc đó, em thấy giận bố mẹ lắm. Khi lớn lên, suy nghĩ chín chắn hơn, em mới hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ, khi phải kiếm tiền nuôi 8 người con, nên không để ý kỹ lưỡng được việc ăn uống của em”, Giáp tâm sự.
Đang tuổi ăn tuổi lớn, Giáp phải sống xa nhà để lọc máu định kỳ hàng tuần nên tâm lý cũng bị ảnh hưởng. Thời gian mới chuyển sang BV Thanh Nhàn, ngày nào Giáp cũng khóc, tới khi mệt lả thì lăn ra ngủ. Thậm chí, cậu còn cáu gắt với bản thân, rồi gây sự với những người sống cùng xóm trọ, khiến nhiều người xa lánh.
“Em đang đi học sữa chữa điện tử để sau này có tay nghề sẽ tự kiếm và tích lũy tiền, hy vọng có cơ hội được ghép thận. Chỉ có như vậy em mới có thể được sống là chính mình, không phải phụ thuộc vào máy móc”, Giáp nói.
BSCK II Nguyễn Đăng Quốc - Trưởng khoa Thận Nhân tạo (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, Lại Văn Giáp là một trong số những trường hợp nhỏ tuổi nhất đang chạy thận ở khoa. Trong quá trình chạy thận, bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn của nhân viên y tế, đặc biệt, chế độ ăn uống hàng ngày rất quan trọng. Bệnh nhân cần ăn nhạt hơn người bình thường, dùng ít thịt đỏ và ngay cả việc uống nước cũng cần theo khuyến cáo riêng.
Với trường hợp bị suy thận mạn, hiện có 3 phương pháp điều trị chính là lọc máu màng bụng, lọc máu bằng chạy thận nhân tạo và ghép thận. Trong đó, ghép thận vẫn được coi là phương pháp tối ưu nhất, tuy nhiên do nguồn thận hiến còn hạn chế, chi phí ghép cao nên số bệnh nhân được ghép thận còn không nhiều.
Đối với việc chạy thận lọc máu định kỳ, bác sĩ Quốc cho biết, hiện đã có nhiều tiến bộ về kỹ thuật vì thế chất lượng sống của người bệnh được nâng cao. "Trước đây, một người chạy thận chỉ có thể kéo dài cuộc sống khoảng 13-14 năm thì nay có thể lên tới 20 năm hoặc hơn thế nữa. Thực tế tại khoa Thận nhân tạo của viện cũng đang có bệnh nhân lọc máu 20 năm vẫn ổn định", bác sĩ Quốc thông tin.
Theo Sức khỏe Đời sống, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, lối sống năng động và chế độ ăn uống bổ dưỡng có thể ngăn ngừa các vấn đề về thận. Dưới đây là một số thói quen tốt cho thận cần thực hiện mỗi ngày để bảo vệ thận, tránh mắc bệnh thận.
1. Duy trì lối sống năng động
Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp giảm mỡ thừa, giảm cân nặng, duy trì vóc dáng đẹp, mà còn tốt cho> >sức khỏe của bạn. Thói quen tập thể dục còn giúp giảm huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ tổn thương thận hay mắc bệnh thận mãn tính ...
Bất cứ loại hình vận động nào từ đi bộ, chạy, đạp xe và thậm chí là khiêu vũ … đều rất tốt cho sức khỏe nói chung mà không cần phải chạy maraton. Thậm chí, bạn có thể chọn các công việc thường ngày năng động như làm việc nhà cũng sẽ đem lại kết quả tuyệt vời.
2. Kiểm soát lượng đường trong máu
Những người mắc bệnh tiểu đường, hoặc lượng đường trong máu cao (vì bất kể nguyên nhân gì) đều có thể bị tổn thương thận. Khi các tế bào cơ thể bạn không thể sử dụng glucose (đường), thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
Tuy nhiên, nếu kiểm soát lượng đường trong máu tốt, bạn sẽ giảm được nguy cơ thận bị tổn thương. Ngoài ra, nếu tổn thương được phát hiện sớm, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị để giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương thận tiến triển.
3. Theo dõi huyết áp
Huyết áp cao có thể gây tổn thương thận. Nếu huyết áp cao xảy ra cùng với các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc cholesterol cao, thì sẽ tác động lên cơ thể bạn có thể lớn hơn.
Chỉ số huyết áp khỏe mạnh là 120/80mmHg. Khi mức huyết áp nằm giữa 120/80 mmHg và 139/89mmHg, rất có thể bạn đang bị tiền cao huyết áp. Nếu bạn đang chới với ở mức huyết áp này, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp giảm huyết áp của bạn.
Nếu chỉ số huyết áp của bạn luôn ở mức trên 140/90mmHg thì có thể bạn đã mắc bệnh tăng huyết áp. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc theo dõi huyết áp thường xuyên, thay đổi lối sống và có thể phải dùng thuốc huyết áp.
4. Theo dõi cân nặng và ăn uống điều độ
Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc một số bệnh liên quan đến thận, thậm chí gây hại thận như bệnh tiểu đường, bệnh tim và bệnh thận.
Một chế độ ăn uống cân bằng ít muối, thịt chế biến và giảm các thực phẩm không lành mạnh … có thể giúp giảm nguy cơ tổn thương thận. Nên ăn các thực phẩm tươi, giàu vitamin, có hàm lượng natri thấp như súp lơ, quả việt quất, cá, ngũ cốc nguyên hạt… rất tốt cho thận.
5. Uống nhiều nước
Không có phép thuật nào giúp thanh lọc thận bằng việc uống nước. Tốt nhất là duy trì thói quen uống 8 ly nước mỗi ngày, giúp bổ sung nước cho cơ thể và đặc biệt rất tốt cho thận.
Nước giúp loại bỏ natri và chất độc khỏi thận của bạn. Nó cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính.
Hãy uống ít nhất 1,5 đến 2 lít mỗi ngày để duy trì sức khỏe của bạn. Lượng nước uống mỗi ngày còn phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, các bài tập thể dục, giới tính và sức khỏe của mỗi người. Hoặc nếu bạn đang mang thai hay đang cho con bú cơ thể sẽ cần một lượng nước khác với người có sức khỏe bình thường.
Những người từng bị sỏi thận nên uống nhiều nước để giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi trong tương lai.
6. Không hút thuốc
Hút thuốc làm hỏng các mạch máu trong cơ thể của bạn, dẫn đến lưu lượng máu đi khắp cơ thể và thận của bạn bị cản trở, thậm chí chậm hơn.
Hút thuốc cũng khiến thận tăng nguy cơ ung thư. Nếu bạn ngừng hút thuốc nguy cơ ung thư thận và mắc các bệnh thận sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều năm để chức năng thận hồi phục trở lại mức độ của một người chưa bao giờ hút thuốc.
7. Lưu ý về việc uống thuốc
Nếu bạn thường xuyên dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), thận của bạn có thể bị tổn thương. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bao gồm ibuprofen và naproxen, có thể gây hại cho thận nếu bạn dùng chúng thường xuyên để điều trị giảm đau mãn tính, nhức đầu hoặc viêm khớp.
Những loại thuốc này không nên dùng quá 10 ngày để giảm đau hoặc hơn 3 ngày để hạ sốt. Nếu uống nhiều hơn 8 viên aspirin mỗi ngày có thể làm giảm chức năng thận của bạn tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Để bảo vệ thận hãy trao đổi với bác sĩ khi phải dùng thuốc điều trị hoặc dùng thuốc giảm đau.
8. Kiểm tra chức năng thận nếu bạn có nguy cơ cao
Nếu bạn có nguy cơ cao bị tổn thương thận hoặc mắc bệnh thận, bạn nên đi kiểm tra chức năng thận thường xuyên. Những người sau đây nên kiểm tra sức khoẻ cũng như chức năng thận thường xuyên:
- Người trên 60 tuổi.
- Người sinh ra nhẹ cân.
- Người mắc bệnh tim mạch hoặc có thành viên gia đình mắc bệnh này.
- Người mắc bệnh tăng huyết áp hoặc có tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp.
- Người béo phì.
Xét nghiệm chức năng thận thường xuyên là cách tuyệt vời để biết sức khỏe thận và kiểm tra những thay đổi có thể xảy ra với sức khoẻ của bạn. Nếu phát hiện sớm bệnh thận, bác sĩ có thể giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa bệnh thận tiến triển trong tương lai.