Tại Khánh Hòa, ghi nhận tình trạng 1 bé gái 9 tháng tuổi đã tử vong khi mắc bệnh sốt xuất huyết .
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật >Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 900 ca mắc >sốt xuất huyết mới (tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái), nhiều nhất là Ninh Hòa với 448 ca, TP. Nha Trang với hơn 200 ca, Diên Khánh gần 60 ca; Cam Ranh trên 30 ca…
Đặc biệt, đã có 1 bé gái tử vong vì sốt xuất huyết đó là em N.P.K.N (mới 9 tháng tuổi, trú tại xã Ninh Phụng, Ninh Hòa, Khánh Hòa). Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Ninh Hòa gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, ban đầu N. có biểu hiện sốt, ho, chảy mũi nước, người nhà tự mua thuốc về cho uống…
Sau đó trẻ được khám và điều trị tại một phòng khám rồi mới chuyển lên Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa (cơ sở 2) để khám và lấy thuốc, tiếp theo là nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa. Tại đây, bệnh viện chẩn đoán N. bị sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 5, thể sốc. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, men tiêu hóa, dung dịch Oresol, dịch truyền.
Tuy nhiên, bệnh không có dấu hiệu tiến triển tích cực nên được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa để điều trị. Do bệnh quá nặng, bệnh nhân N. đã tử vong tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa.
Theo Báo CAND, thống kê của Bộ Y tế, trong những tuần đầu tiên của năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Tuy nhiên, từ khoảng cuối tháng 2 đến nay, số ca mắc chững lại và có dấu hiệu giảm. Đã 5 tuần liên tiếp, nước ta không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp, số ca mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Điển hình là Trà Vinh, dù đang là mùa khô nhưng tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 76 ổ bệnh sốt xuất huyết với 217 ca mắc, tăng gần 7 lần so cùng kỳ năm 2022.
Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Trà Vinh đã tiếp nhận 122 ca mắc bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay, trong đó có 8 ca sốt xuất huyết Dengue với dấu hiệu cảnh báo, có 10 ca diễn biến nặng. Nhờ chủ động chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư y tế, cùng với kinh nghiệm qua nhiều năm, các ca bệnh đều được điều trị khỏi.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trước vào tháng cao điểm năm 2023, Bộ Y tế đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước, trong mùa dịch; các cấp chính quyền trong chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy; đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý; các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, máy móc điều trị; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới...