Mới đây, chuyên gia đã thông tin về vấn đề phòng dịch COVID-19 để người dân lưu ý trong dịp lễ 30/4 - 1/5.

Thiên Bảo (t/h) 15:59 25/04/2023

Theo Sở Y tế, việc phát hiện đồng loạt nhiều biến chủng phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới có thể giải thích hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới trong mấy ngày qua tại thành phố và ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Hiện nay, chưa có báo cáo từ các nước cho thấy mối liên quan giữa các biến chủng mới với tình trạng mắc Covid-19 nặng hơn. Tuy nhiên, Sở Y tế nhận định tình hình thực tế cho thấy số ca mắc mới tăng sẽ dẫn đến số ca nhập viện tăng. Hầu hết ca nhập viện đều là người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm hệ miễn dịch), trong đó có những người chưa tiêm đủ vaccine phòng Covid-19.

Sở Y tế khuyến cáo người dân đồng hành với nhà chức trách trong Chiến dịch bảo vệ người nguy cơ vừa được tái khởi động, duy trì biện pháp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm vaccine để phòng chống Covid. Chiến dịch này nhằm rà soát, lập danh sách nhóm người nguy cơ cao nhiễm để theo dõi, tiêm vaccine mũi tăng cường, phát hiện sớm ca nhiễm, cách ly và điều trị kịp thời bằng thuốc kháng virus. Người mắc bệnh nền ngoài điều trị Covid sẽ có bác sĩ chuyên khoa tư vấn điều trị bệnh nền phù hợp, hạn chế nguy cơ chuyển nặng và tử vong.

Trước nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, cho biết, dù số ca mắc có gia tăng nhưng khả năng dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay số ca tử vong tăng mạnh như đợt dịch ở TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam năm 2021 là khó xảy ra.

Bởi hiện biến chủng phụ dù lây lan nhanh nhưng vẫn là biến thể của chủng Omicron, chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng.

Tuy nhiên, ngành y tế cần đánh giá lại nguy cơ của COVID-19 xem liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine chúng ta đang sử dụng hay không.

Các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Internet

Từ đó có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp để chủ động trong công tác phòng chống dịch. Cần lưu ý và tuân thủ tuyệt đối các biện pháp an toàn trong phòng dịch.

Theo Dân Trí, tại Việt Nam, công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 hiện cũng nhắm đến bảo vệ các đối tượng nguy cơ cao. Trong đó, Bộ Y tế lưu ý các địa phương tăng cường công tác tiêm chủng để đạt mục tiêu đề ra.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vaccine phòng Covid-19 để tiêm 6 tháng cuối năm, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ.

 "Mục tiêu của vaccine là giảm nặng, nhập viện, giảm tử vong. Tuy nhiên, các nghiên cứu về miễn dịch trên các đối tượng đã tiêm 1,2,3,4 mũi vaccine đến nay còn chưa đầy đủ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi trong thời gian tới. Chúng ta sẽ rà soát để làm thế nào có khuyến cáo kịp thời và đúng thời điểm", GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết trên Dân Trí.

Cẩn trọng khi dịch tăng cao. Ảnh: Internet

Phần lớn người dân Việt Nam tiêm 3 mũi (2 mũi cơ bản + một mũi nhắc lại). Một phần những người có suy giảm miễn dịch và cần tăng cường thêm miễn dịch cho một số vaccine thì tiêm 4 mũi (2 mũi cơ bản + một mũi bổ sung + một mũi nhắc lại).

Về mũi tiêm nhắc lại, theo hướng dẫn trước đó Bộ Y tế mới quy định tiêm một mũi sau 3 tháng để tăng cường miễn dịch.

- Nhóm ưu tiên cao sử dụng vaccine phòng Covid-19 gồm người cao tuổi, những người trẻ mắc các bệnh đi kèm nghiêm trọng (như tiểu đường, bệnh tim), những người có tình trạng suy giảm miễn dịch (như nhiễm HIV, người được ghép tạng..., kể cả trẻ em 6 tháng tuổi và lớn hơn), phụ nữ có thai và nhân viên y tế tuyến đầu.

Khuyến nghị tiêm nhắc lại sau 6 hoặc 12 tháng kể từ liều cuối cùng, với khung thời gian tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.

- Nhóm ưu tiên trung bình bao gồm người lớn khỏe mạnh (thường dưới 50 - 60 tuổi, không có bệnh đi kèm) và trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh đi kèm. SAGE đề xuất các liều cơ bản và liều tăng cường đầu tiên cho nhóm ưu tiên trung bình.

- Nhóm ưu tiên thấp bao gồm trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh từ 6 tháng đến 17 tuổi. Liều cơ bản và liều tăng cường là an toàn và hiệu quả ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, xét đến gánh nặng bệnh tật thấp, SAGE kêu gọi các quốc gia đang xem xét tiêm chủng cho nhóm tuổi này nên đưa ra quyết định dựa trên các yếu tố hoàn cảnh, chẳng hạn như gánh nặng bệnh tật, hiệu quả chi phí và các ưu tiên về >sức khỏe hoặc chương trình khác và chi phí cơ hội.

- Trẻ em có tình trạng suy giảm miễn dịch và mắc bệnh đi kèm phải đối mặt với nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng cao hơn, vì vậy được đưa vào các nhóm ưu tiên cao và trung bình tương ứng.

Dù thấp, nhưng gánh nặng do Covid-19 nghiêm trọng ở trẻ dưới 6 tháng tuổi vẫn cao hơn so với trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Vì thế, tiêm phòng cho phụ nữ mang thai, bao gồm cả liều bổ sung, nếu đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ liều cuối cùng. Điều này giúp bảo vệ cả thai phụ và thai nhi, đồng thời giúp giảm khả năng trẻ sơ sinh phải nhập viện vì Covid-19. 

 

Thiên Bảo (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe