Số ca mắc COVID-19 ở nước ta tuần qua gia tăng đáng kể. Bệnh nhân nặng thở oxy cũng tăng lên; Cùng đó, sau gần 4 tháng không ghi nhận F0 tử vong.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, theo thống kê, trong 7 ngày qua (từ 16/4- 22/4), cả nước ghi nhận hơn 12.500 ca mắc >COVID-19 mới, trung bình khoảng 1.800 ca mắc mới/ngày.
Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến thời điểm này ở nước ta, có 4 ngày liên tiếp số ca mắc mức hơn 2.000ca/ ngày. Trong khi các tuần trước đó, số mắc COVID-19 mỗi ngày thấp hơn.
Số ca mắc mới gia tăng nên số bệnh nhân nặng thở oxy cũng tăng, trong tuần qua, số F0 thở oxy có ngày đã lên đến hơn 100 ca, trong số này có cả bệnh nhân thở máy. Tính đến ngày 22/4, hiện có 123 bệnh nhân thở oxy, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 90 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 8 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 24 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.543.059 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.651 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi ở nước ta là 10.616.725 ca.
Sau gần 4 tháng không có bệnh nhân tử vong, hôm qua- 22/4, nước ta ghi nhận ca tử vong do COVID-19 ở Hà Nội.
Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.187 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Theo Bộ Y Tế, hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đánh giá dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về >sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng vi-rút, những biến thể mới trong tương lai. Mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với trước đây, tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong, bao gồm nhóm người cao tuổi mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này. Một số dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm... cũng có nguy cơ gia tăng số ca mắc dẫn đến gây nguy cơ "dịch chồng dịch".
Để tiếp tục chủ động các biện pháp PC dịch, kiểm soát tình hình dịch, không để bùng phát trở lại, góp phần tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, Bộ YT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác PC dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp PC dịch theo Nghị quyết (NQ) 38/NQ-CP ngày 17-3-2022 của Chính phủ và Kế hoạch PC bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định (QĐ) 1331/QĐ-BYT ngày 10-3-2023 của Bộ YT.
Bộ YT cũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với những nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; chuẩn bị sẵn sàng phương án thu dung, điều trị BN và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị. Tiếp tục bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác PC dịch.
Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu PC dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở YT, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới. Tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vắc-xin, bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao sự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.