Theo bộ y tế, mặc dù những ca mắc vẫn dưới 100 bệnh nhân nhưng số lượng người nhiễm bất ngờ tăng mạnh so với trước đó.

My My (t/h) 09:55 13/01/2023

Cả nước chỉ còn 7 ca COVID-19 chuyển nặng

Cụ thể, cả nước ghi nhận 88 ca nhiễm, so với ngày trước chỉ ở mức 35. Dựa trên số liệu thực tế này có thể nhận thấy tỉ lệ người mắc bất ngờ đảo chiều.

Tuy nhiên, tình hình khả quan hơn khi bộ Y tế cho biết ngày 12-1 là ngày thứ 13 liên tiếp số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận tại Việt Nam ở mức dưới 100 ca. Từ 1-1 đến nay cũng không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Trong ngày, cả nước có thêm 78 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.611.650 ca.

Biểu đồ dịch COVID-19. Ảnh: Người Lao Động

Đặc biệt hiện cả nước chỉ còn 7 bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng và đang phải điều trị, trong đó có 6 người phải thở oxy mặt nạ và 1 người thở oxy dòng cao. Đây là con số thấp nhất trong những tháng gần đây.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.526.034 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.479 ca nhiễm).Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Có thể có thêm biến thể COVID-19 mới

Kết luận phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường trong thời gian tới; giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc.

Các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện, có thể làm dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại, thậm chí lây lan phổ biến hơn cả Omicron, biến thể chính trên toàn cầu hiện nay, và vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Chú ý phòng COVID-19. Ảnh: Internet

Ban chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quan điểm:

(1) Đặt tính mạng, >sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết;

(2) Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, tiếp tục thực hiện thông điệp "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác", trong đó đặc biệt coi trọng việc tiêm vắc xin và ý thức người dân;

(3) Chú trọng, đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch trên thế giới và trong nước, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của dịch COVID-19, tăng cường phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, đậu mùa khỉ..., nhất là trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023.

Tiếp tục tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em; tiêm cho các đối tượng rủi ro cao, người có bệnh nền, chú trọng các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp…

 

My My (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe