Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đợt này có các biểu hiện nặng hơn, nguy hiểm hơn các đợt bùng phát trước đây. Mọi người nên bình tĩnh và không nghe theo những tin đồn vô căn cứ trên mạng.
Diễn biến dịch Covid-19 tại nước ta có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trong những ngày gần đây, trong đó địa phương ghi nhận nhiều nhất là Hà Nội.
Bên cạnh số ca mắc Covid-19 tăng thì số bệnh nhân phải nhập viện cũng tăng lên.
Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), ngày 11/4, các bác sĩ đang điều trị cho 75 ca Covid-19, trong đó 5 ca thở máy, 10 ca sử dụng oxy kính. Số ca mắc Covid-19 nhập viện cũng gia tăng so với đầu tháng 3 vừa qua.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, những ngày qua, số bệnh nhân Covid-19 vào viện gia tăng mạnh. Trong 10 ngày đầu tháng 4, số ca mắc Covid-19 mới đã tăng gấp 3 lần, tức là 75 bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) đã có nhận định về tình hình dịch bệnh, đồng thời cho biết, hiện chưa có bằng chứng cho thấy có sự xuất hiện của biến thể nào mới mà vẫn là các biến thể thông thường của Omicron, cho nên mọi người cần hết sức bình tĩnh, theo dõi các thông tin chính thống từ cơ quan y tế.
PV: Theo chuyên gia, nguyên nhân nào khiến cho tình hình dịch Covid-19 gia tăng trở lại vào thời kỳ này nhất là ở các tỉnh miền Bắc và Hà Nội?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Có nhiều nguyên nhân khiến dịch Covid-19 có xu hướng bùng phát trở lại vào thời điểm hiện nay, đặc biệt số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc tăng do: Thời tiết nồm ẩm, khiến nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường hô hấp tăng cao. Bên cạnh đó, số người bị nhiễm virus đường hô hấp, cúm A, cúm B, thủy đậu, tay chân miệng… gia tăng khiến cho sức đề kháng chung bị suy giảm, cũng dễ mắc Covid hơn.
Mặt khác, do số đông người dân hiện nay chủ quan không thực hiện đúng thông điệp 2K. Và do sức miễn dịch có được sau khi tiêm vaccine hoặc mắc Covid đã giảm dần, khiến nguy cơ tái nhiễm gia tăng.
Đồng thời, việc tăng cường giao thương, tiếp đón khách du lịch quốc tế đặc biệt là khách du Trung Quốc cũng có thể là một nguyên nhân, tuy chưa có bằng chứng rõ ràng.
Riêng với Hà Nội là thủ đô nơi tập trung đông dân, mật độ dân số cao và khả năng miễn dịch của người dân nói chung cũng không tốt bằng các tỉnh thành khác, do tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, sử dụng nhiều đồ ăn chế biến sẵn...
PV: Số ca bệnh nhân Covid trở nặng cũng đang tăng lên vì sao, thưa chuyên gia?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Số ca Covid trở nặng đang tăng lên mạnh, nhưng thực tế vẫn đang trong mức kiểm soát. Khi số người mắc tăng, thì số bệnh nhân nặng cũng tăng theo một cách tương ứng chứ không có sự đột biến.
Những người bị nặng thường là người già, có nhiều bệnh nền và chưa tiêm đủ vaccine. Đây cũng là những người dễ trở nặng trong các đợt dịch trước.
Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy các bệnh nhân nhiễm Covid đợt này có các biểu hiện nặng hơn, nguy hiểm hơn các đợt bùng phát trước đây. Mọi người nên bình tĩnh và không nghe theo những tin đồn vô căn cứ trên mạng.
PV: Có ý kiến cho rằng, số ca Covid-19 tăng cao hiện nay là do thời gian qua nhiều người chủ quan, lơ là và không tiêm thêm các mũi vaccine Covid-19 tăng cường nên miễn dịch cộng đồng giảm đi và dịch có xu hướng lây lan mạnh trở lại. Chuyên gia đánh giá như thế nào về nhận định này?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Đây là nhận định đúng, tuy nhiên đó cũng chỉ là một trong các lý do giải thích cho hiện tượng số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong những ngày gần đây. WHO đã có khuyến cáo là chỉ những người già, có bệnh nền và sức đề kháng giảm thì mới nên tiêm nhắc lại sau mỗi 6-12 tháng.
Thực tế, số ca tăng cao chủ yếu là do thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện cho virus dễ lây lan, đặc biệt tại các đô thị lớn, điều kiện sinh hoạt chật chội. Ngoài ra còn do sự chủ quan của người dân khi lơ là việc đeo khẩu trang và khử khuẩn.
Xu hướng trong thời gian tới, có thể Covid-19 sẽ trở thành bệnh như cúm mùa, nghĩa là không thể hết hẳn, và sẽ bùng phát thành những đợt dịch nhỏ hàng năm.
PV: Theo chuyên gia, trước tình hình hiện nay thì có nguy cơ lây lan các ổ dịch mới hay “làn sóng” dịch mới hay không?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Theo dõi diễn biến Covid-19 trong những ngày gần đây, tôi cho rằng, có thể sẽ xuất hiện những ổ dịch hay làn sóng dịch nhỏ tuy nhiên khó có thể bùng phát thành làn sóng dịch lớn như ở TP.HCM tháng 7-8/2021 hoặc ở Hà Nội tháng 2-3/2022.
Những người dễ bị tổn thương nhất là nhóm người già, có nhiều bệnh nền như đái đường, tăng huyết áp, bệnh tim-phổi mạn tính, những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như ung thư, dùng thuốc ức chế miễn dịch dài ngày.
Còn lại, đa số người dân đã có miễn dịch ở một mức độ nào đó, có thể vẫn tái mắc Covid-19 nhưng triệu chứng sẽ ở mức độ nhẹ và sớm hồi phục.
PV: Theo chuyên gia, trước tình hình số ca mắc Covid-19 gia tăng, việc tiêm mũi vaccine tăng cường có quan trọng không? Vì sao? Và nếu không tiêm vaccine thì chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Trước tình hình số ca mắc Covid-19 gia tăng như hiện nay, những ai chưa tiêm đủ 2 mũi thì nên tiêm ngay. Việc tiêm mũi vaccine tăng cường có vai trò quan trọng để bảo vệ những người có nguy cơ cao tái nhiễm và trở nặng, đó là người già, nhiều bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Cần tiêm nhắc lại, không kể là mũi 3, mũi 4 hay mũi 5 với các đối tượng này.
Ngoài ra, những người ở cùng nhà với họ, những người chăm sóc họ, cũng nên tiêm. Bới khi họ mắc thì có thể triệu chứng nhẹ, nhưng khi lây cho những người có nguy cơ cao thì lại có thể khiến những người này trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng và gây quá tải cho hệ thống y tế.
Trong trường hợp không tiêm mũi vaccine tăng cường, chúng ta phải nghiêm túc thực hiện thông điệp 2K của Bộ Y tế, đó là đeo khẩu trang và khử khuẩn, khi đi ra chỗ đông người hay tiếp xúc với những người có nguy cơ cao.
PV: Trước tình hình số ca Covid-19 nặng tăng mạnh, chuyên gia có lời khuyên hay khuyến cáo như thế nào cho cộng đồng trong thời điểm này hay không?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Để dịch bệnh không lây lan, điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý là hết sức bình tĩnh, bởi hiện chưa có bằng chứng cho thấy có sự xuất hiện của biến thể nào mới mà vẫn là các biến thể thông thường của Omicron. Ngoài ra, hiện nay đang xuất hiện nhiều thông tin vô căn cứ lan truyền trên mạng xã hội rằng có sự xuất hiện của biến chủng mới, gây tử vong nhanh chóng. Do đó, người dân cần hết sức bình tĩnh, theo dõi các thông tin chính thống từ cơ quan y tế.
Thứ hai, cần tập trung bảo vệ cho các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, bằng cách tiêm đầy đủ các mũi vaccine tăng cường. Đồng thời, nên kiểm soát tốt các bệnh nền, và thực hiện uống thuốc theo đúng đơn bác sĩ.
Cuối cùng, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và khử khuẩn, đảm bảo ăn uống đầy đủ, vận động nhẹ nhàng, kiểm soát stress, ngủ đủ giấc. Dù Covid hay không, trong thời điểm giao mùa, mọi người đều nên súc miệng nước muối sinh lý ấm hàng ngày, kết hợp thêm một số dung dịch sát khuẩn họng.