Về một số trường hợp dù đã tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19 vẫn tử vong, chuyên gia đã chỉ ra những đối tượng có nguy cơ cao.
Theo Lao Động, khảo sát của ngành Y tế >TP.HCM, có một số người tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn >tử vong do COVID-19.
Phân tích các trường hợp tử vong, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca tử vong của thành phố gần đây tập trung ở người lớn tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, thậm chí đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Lí giải về tiêm đủ 2 mũi vẫn nguy hiểm tính mạng, ông Châu cho hay vaccine COVID-19 hay bất kỳ loại vaccine nào khác chỉ làm giảm khả năng mắc bệnh và chuyển nặng. Khi mắc, bệnh nhân vẫn có khả năng chuyển nặng và tử vong. Ông Châu cũng nhấn mạnh, khi so sánh, người đã tiêm đủ vaccine COVID-19 thì tỉ lệ chuyển nặng, tử vong sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa việc đã tiêm vaccine là không sao hết.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cung cấp số liệu, trong số các trường hợp mắc COVID-19 tử vong những ngày vừa qua, có 2 trường hợp đã tiêm 1 mũi vaccine COVID-19, 10 trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi.
"Toàn bộ 10 trường hợp tử vong dù đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 đều trên 50 tuổi. Như vậy, nhóm nguy cơ cao hiện nay của thành phố là những người cao tuổi, người mắc bệnh nền, đặc biệt trường hợp có bệnh nền lâu năm" - lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhận định.
Sở Y tế T.PHCM đề nghị, thời gian tiếp theo, các địa phương cần rà soát, đưa ra những biện pháp phòng, tránh lây nhiễm, ngăn chặn chuyển nặng đối với nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền. Trong đó, những người chưa tiêm vaccine COVID-19 cần được quan tâm đặc biệt.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng cho hay có một số trường hợp tử vong là từ các tỉnh khác chuyển đến TP.HCM điều trị.
Ghi nhận ngày 11.11 cho thấy, trong 38 ca tử vong, có 3/38 bệnh nhân đến từ Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu; 34/38 trường hợp có bệnh nền; trường hợp chưa tiêm vaccine là 20/38 (12 người trên 65 tuổi và có bệnh nền); 2/38 người đã tiêm 1 mũi; số người đã tiêm đủ liều vaccine là 10/38 (đều trên 50 tuổi và có bệnh nền).
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho biết, tỉ lệ tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 là không tránh khỏi. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét lại quy trình tiêm, ví dụ như những người tiêm đó đã tiêm loại vắc xin gì, đối tượng tiêm bao nhiêu tuổi, và việc theo dõi, giám sát sau khi tiêm như thế nào.
PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn tại Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cũng cho rằng việc tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 không thể giảm được 100% việc mắc COVID-19 hoặc nguy cơ tử vong.
Có những vắc xin hiệu lực cao như vắc xin sởi - tiêm một mũi có thể được miễn dịch suốt đời. Sản xuất một loại vắc xin phải mất 4, 5 năm, có vắc xin sản xuất mất đến 10 năm. Thậm chí, có những bệnh truyền nhiễm hiện nay chưa có vắc xin như HIV AIDS, sốt rét.
Những người tiêm rồi vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 nhưng quan trọng nhất là họ không bị trở nặng, không triệu chứng và không gây quá tải cho hệ thống y tế. Vì thế cũng sẽ có những trường hợp ngoại lệ là tiêm 2 mũi rồi vẫn sẽ tử vong, nhưng chủ yếu là người trên 65 tuổi và người có bệnh nền.
Đánh giá về tỉ lệ tử vong trên, PGS Phu cho rằng, đây chưa phải con số đại diện về tỷ lệ ca nặng và tử vong do nhiễm Covid-19 sau tiêm vắc xin của cả nước. Chưa thể đánh giá mức độ cao hay thấp vì đây chỉ mới là con số ban đầu và thống kê ở một phạm vi nào đó. Việc đánh giá cần chờ vào thời gian mới chính xác, PGS nói.
Bác sĩ Khanh cũng nói thêm ngoài việc xem xét lại quy trình tiêm chủng vắc xin, chúng ta cần giám sát kỹ những đối tượng có bệnh nền, người trên 65 tuổi, sau tiêm vắc xin nếu có phản ứng cần được đưa đi bệnh viện cấp cứu và sử dụng thuốc chống virus ngay.