Sau 50 năm tồn tại trong người khối sỏi thận, cụ bà buộc lòng phải vào nhập viện trong tình trạng đau nặng.

My My (t/h) 14:11 09/03/2023

Khối >sỏi thận dài 20cm, nặng 500g

Theo thông tin từ Báo VietNamNet, hơn 50 năm, bệnh nhân nữ, 75 tuổi, trú tại ngoại thành Hà Nội bị sỏi thận nhưng không điều trị. Mỗi lần đau, bệnh nhân uống thuốc dân gian theo người quen mách bảo.

Cuối tháng 2, bệnh nhân đau nhiều, sốt, ớn lạnh, mệt và sờ lưng thấy u cục mới đến bệnh viện huyện khám. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị suy thận do có sỏi ở cả hai bên nên chuyển tới Bệnh viện E.

Bác sĩ Liên cho biết kết quả trên phim chụp cho thấy sỏi thận lớn chiếm gần hết thận và gây suy thận. Nếu phẫu thuật, kích thước sỏi quá lớn. Đối với trường hợp này, nếu bác sĩ sử dụng phương pháp tán sỏi qua da thì phải thực hiện ít nhất 10 lần.

Bác sĩ đã quyết định mổ mở để lấy sỏi thận. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ bóc tách được viên sỏi san hô dài tới 20cm, nặng 500g. Bác sĩ Liên cho biết trường hợp này may mắn vì chức năng thận đã phục hồi, bệnh nhân không phải chạy thận chu kỳ. Sau 10 ngày điều trị theo dõi, >sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục và ra viện.

Sỏi khổng lồ nặng 500g đã được các bác sĩ bóc tách. Ảnh: VietNamNet

Biện pháp phòng ngừa

Cũng theo Báo Sức khỏe và >đời sống, theo thống kê nam giới mắc sỏi thận nhiều hơn nữ giới, lứa tuổi thường gặp từ 30-60 tuổi là 75 – 80%. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng khó lường như: Nhiễm khuẩn tiết niệu; viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn….

- Uống nhiều nước: Các nghiên cứu cho rằng, uống ít nước sẽ khiến nước tiểu trở nên đậm đặc, đọng lại nên dễ hình thành nên sỏi thận và sỏi đường tiết niệu. Trong khi chúng ta đã biết sỏi thận là sự lắng đọng, tích tụ các tinh thể muối, khoáng có trong nước tiểu. Do đó, nếu uống ít nước sẽ khiến lượng nước tiểu bài tiết ra ít, không đủ hòa tan muối, khoáng chất và chất khác trong cơ thể dẫn đến hình thành sỏi thận.

vậy, đừng ngại uống nước, khi uống đủ nước, lượng bài tiết nước tiểu sẽ tăng lên, giảm thấp nồng độ tinh thể trong nước tiểu, rửa đường niệu đạo, có lợi cho phòng chống sỏi thận và giúp sỏi bài tiết ra ngoài và còn tốt cho sức khỏe.

- Không nhịn tiểu: Công việc bận rộn khiến bạn có thói quen nhịn tiểu. Chúng là nguyên nhân làm tăng áp suất nước tiểu dẫn đến suy thận, sỏi thận và tiểu không tự chủ.

Quá trình đào thải nước tiểu ở hệ thống đường tiết niệu không chỉ giúp đào thải lượng nước thải dư thừa trong cơ thể mà còn giúp loại bỏ các độc tố có hại trong cơ thể ra bên ngoài. Nhịn tiểu sẽ làm cho các chất độc lắng cặn lại trong thận, bàng quang. Sau một thời gian dài tích tụ, các lắng cặn này sẽ hình thành nên sỏi thận, gây viêm cầu thận, suy thận và ảnh hưởng tới chức năng bài tiết của thận.

- Không lạm dụng thuốc, vitamin tùy tiện

Hiện nay nhiều người có thói quen dùng thuốc tùy tiện. Hễ có vấn đề về sức khỏe không cần đi khám, chẳng cần chỉ định của các nhà chuyên môn mà tự mua thuốc về điều trị, thậm chí mua thuốc theo mách bảo hoặc theo khuyến cáo trên mạng xã hội. Nhiều người dùng lại đơn thuốc khám từ các lần trước… rất nguy hiểm. Việc dùng thuốc tùy không theo chỉ định hoặc đơn thuốc của bác sĩ dẫn đến bệnh không khỏi, hoặc không điều trị dứt điểm, hoặc tác động xấu đến cơ quan bài tiết như thận.

Nhiều người sử dụng các loại thuốc lợi tiểu quá mức cũng là nguyên nhân khiến cơ quan bài tiết sinh bệnh, gây sỏi thận, thậm chí nhiều trường hợp dùng thuốc sai cách dẫn đến suy thận.

Trên thực tế hiện nhiều người cho rằng thiếu vitamin, thiếu canxi… cần bổ sung thường xuyên dẫn đến việc thừa hoặc thiếu với các vitamin, canxi trong cơ thể. Bổ sung vitamin, canxi có thể hữu ích với người có lượng canxi thấp hoặc thiếu vitamin. Tuy nhiên, dùng quá nhiều chất bổ sung cũng có thể gây ra vấn đề. Hãy trao đổi với bác sĩ về các loại vitamin đang dùng. Thừa vitamin C hoặc D, canxi cũng có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi.

- Tiết chế lượng đồ ngọt, ăn mặn: Chế độ ăn cũng liên quan đến việc thu nạp các chất trực tiếp hình thành nên sỏi thận. Nhiều người có thói quen thích ăn ngọt và ăn mặn, trong khi đó thủ phạm chính bao gồm đường fructose (còn gọi là đường trái cây) có trong đường cát trắng, và muối, làm tăng lượng canxi trong thận.

Thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều chất đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết canxi và cystine, gây ra sỏi. Ngoài ra, chúng còn làm giảm bài tiết chất citrate – chất giúp ngăn chặn sự tạo thành sỏi.

Để giảm lượng muối, hãy hạn chế một số loại thực phẩm gồm: các loại thịt đã qua xử lý như giăm bông, xúc xích và thịt xông khói, đồ ăn nhẹ tẩm muối, sốt trộn salad, mù tạt, tương cà, nước tương, nước sốt thịt nướng, đồ muối chua, thực phẩm chế biến sẵn...

My My (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe