Là mẹ của 2 bé sinh đôi sắp bước vào lớp 1, chị H. vô cùng lo lắng khi cả 2 bé đều nói ngọng, khó phát âm, dù luyện thế nào cũng không cải thiện. Nguyên nhân thực sự làm 2 bé chậm nói khiến chị và cả gia đình tá hỏa…
Theo thông tin báo Sức khỏe và Đời sống, chị H. - mẹ của 1 cặp song sinh đã chia sẻ hành trình chữa ngọng cho cả 2 bé và nhận được sự quan tâm của rất nhiều ba mẹ khác. Chị cho biết lần đầu làm mẹ, lại là mẹ của 1 cặp song sinh vừa vui vừa áp lực bởi những kiến thức để chăm sóc >sức khỏe và tinh thần cho các bé quá rộng, chị không thể biết hết và một trong số đó là dị> tật dính thắng lưỡi. Mãi cho đến khi 2 bé được 3 tuổi, 2 vợ chồng chị cho các bé đi khám Nhi tổng quát ở Nhi TW thì mới biết cả 2 bé đều bị dính thắng lưỡi.
Khi đó, bé anh bị dính thắng lưỡi ở mức độ 3, bé em dính thắng lưỡi ở cuối mức 2, đầu mức 3. Mặc dù nhận thấy các con >nói ngọng so với các bạn cùng tầm tuổi nhưng chị lại chủ quan cho rằng đó là do ảnh hưởng của tiếng địa phương, chị cũng không suy nghĩ nhiều.
Đến khi cả 2 bé hơn 4 tuổi, sắp vào lớp 1 mà ba mẹ, cô giáo ở lớp luyện mãi nhưng các bé vẫn không thể phát âm được "n" và "l". Điều này khiến chị H. đi từ lo lắng sang stress. Nội ngoại 2 bên gia đình không có ai ngọng như vậy, các bé nói chỉ có ba mẹ hiểu được, họ hàng, người ngoài cứ lời qua tiếng lại. Đồng thời chị H. cũng sợ khi các bé lớn hơn, đi học cấp 1 bị bạn bè trêu đùa, không theo được các bạn rồi mặc cảm tự ti. Đến lúc này, chị mới nhớ đến kết luận của bác sĩ khi khám tổng quát ở Nhi.
Sau đó 2 vợ chồng chị quyết định cho bé lên Bệnh viện khám lại. Bác sĩ đã giải thích cho chị độ 3 đã là độ nặng còn trường hợp bạn bé thì chớm độ 3 vì vậy lưỡi của 2 bé không uốn được nên bị ngọng do đó phải nên cắt thắng lưỡi cho các con. Nếu phát hiện và cắt sớm cho bé thì không sao nhưng do chị đưa các bé đến muộn nên quá trình luyện nói lại cho các bé khó hơn.
Dính thắng lưỡi hay còn gọi là dính phanh lưỡi là một trong những dị tật bẩm sinh mà trẻ có thể gặp phải do dây thắng lưỡi bị ngắn.
Dính thắng lưỡi theo thống kê có thể gặp khoảng 5% ở trẻ sơ sinh, thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái.
Theo thông tin từ Sở y tế Hà Nội, dính thắng lưỡi là một bất thường về cấu trúc giải phẫu bẩm sinh. Thắng lưỡi hay phanh lưỡi là một màng niêm mạc mỏng hình tam giác, dính từ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi. Chức năng chính xác của thắng lưỡi hiện nay chưa được biết rõ, có một số giả thiết chức năng của phanh lưỡi làm hạn chế sự chuyển động của lưỡi.
Dính thắng lưỡi hay phanh lưỡi bám thấp, phanh lưỡi ngắn được hiểu khi dính màng mỏng gần đầu lưỡi làm hạn chế chuyển động của lưỡi hơn bình thường, đây là một bất thường. Nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa được làm rõ. Bất kì ai cũng có thể bị dính thắng lưỡi khi sinh ra.
– Độ I: Ở mức độ dính lưỡi nhẹ khi phần lưỡi di động từ 12 - 16mm.
– Độ II: Ở mức độ dính trung bình khi phần lưỡi di động từ 8 - 11mm.
– Độ III: Ở mức độ dính nặng khi phần lưỡi di động từ 3 - 7mm.
– Độ IV: Ở mức độ dính hoàn toàn khi phần lưỡi di động nhỏ hơn 3 mm.
Khi thấy trẻ có biểu hiện nghi ngờ dính thắng lưỡi, cần đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và chọn lựa phương pháp điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Không có thời điểm lý tưởng để cắt thắng lưỡi cho trẻ, trẻ sinh ra bị dính thắng lưỡi nặng sẽ ảnh hưởng chức năng bú sữa, nên cắt càng sớm sẽ càng tốt cho trẻ. Thông thường trẻ từ 2 - 3 tháng tuổi trở lên, khỏe mạnh là có thể tiến hành cắt thắng lưỡi.