Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch sử dụng vaccine Covid-19 năm 2022 và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi. Tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi trong cả nước.

Như Thảo (t/h) 15:22 07/11/2021

Theo thông tin từ Người Lao Động, Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch sử dụng vaccine >Covid-19 năm 2022 và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi.

Dựa theo 3 cơ sở

Bộ Y tế cho biết việc xây dựng kế hoạch >tiêm vaccine cho nhóm đối tượng này theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia và các loại vaccine đã được cấp phép tại Việt Nam có chỉ định cho nhóm đối tượng trẻ dưới 12 tuổi.

Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi ở Việt Nam đã chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Hiện 7 địa phương tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi là TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh và Vĩnh Long. Khoảng 800.000 liều vaccine đã được tiêm. Một số địa phương khác đã lên kế hoạch triển khai tiêm cho trẻ khi vaccine Covid-19 được phân bổ.

Nhóm học sinh độ tuổi từ 12-17 đang được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Người Lao Động

Bộ Y tế đang hướng tới độ vắc-xin bao phủ dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 100% trong quý IV/2021 và đầu năm 2022. Riêng về tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em sẽ dựa trên khả năng cung ứng vaccine của nhà sản xuất. Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, thống kê từ các địa phương cho thấy có khoảng 9,4 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi thuộc đối tượng tiêm chủng vaccine Covid-19 trong đợt đầu tiên. Dự kiến cần khoảng 19 triệu liều vắc-xin cho nhóm này nhưng hiện tại vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung. Căn cứ nguồn cung, Bộ Y tế sẽ phân bổ theo đợt riêng cho từng địa phương.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát nhu cầu vaccine Covid-19 những tháng cuối năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022 để tiêm cho người dân. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị xây dựng kế hoạch tiêm nhắc lại mũi 3 và 4 cho người đã tiêm đủ 2 mũi. Kế hoạch của các địa phương là cơ sở để Bộ Y tế phân bổ vaccine trong tháng 11 và 12/2021 và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022. Đồng thời rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm: 3-11 tuổi, 12-15 tuổi, 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này.

Còn băn khoăn

Thông tin liên quan đến việc tiêm vaccine cho nhóm đối tượng từ 3 đến dưới 12 tuổi được nhiều phụ huynh quan tâm. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình nhưng cũng không ít người băn khoăn, không biết vaccine nào phù hợp, liều lượng bao nhiêu, tỉ lệ trẻ gặp biến chứng sau tiêm có cao không?…

PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Phó trưởng Ban điều hành Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết hiện nay, Việt Nam mới chỉ định >tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, trẻ dưới 12 tuổi chưa có chỉ định tiêm. Với chiến dịch tiêm cho trẻ lần này, vaccine được Bộ Y tế cho phép sử dụng là Pfizer và Moderna, là vắc-xin đã được cho phép sử dụng cho trẻ 12-17 tuổi.

Các tỉnh thành vẫn đang đẩy nhanh qua trình tiêm chủng vaccine cho toàn bộ học sinh từ 12-17 tuổi. Ảnh: Internet

Bà Hồng thông tin thêm, trong thời gian tới, khi các nhà sản xuất trên thế giới cũng như các quốc gia cho phép, WHO khuyến cáo được phép sử dụng những loại vaccine mới khác cho nhóm tuổi nhỏ hơn, Bộ Y tế cũng sẽ xem xét đưa vào sử dụng những vaccine đó, đồng thời có hướng dẫn cụ thể.

Nhận định về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 3 tuổi, một chuyên gia dịch tễ cho biết trên thế giới có gần 40 quốc gia tiêm chủng cho nhóm 12-17 tuổi. Tuy nhiên, số triển khai tiêm cho trẻ nhỏ tuổi hơn thì ít hơn nhiều. Theo chuyên gia này, hiện WHO khuyến cáo chưa tiêm vaccine cho trẻ từ 3-12 tuổi, thay vào đó tiếp tục tiêm cho người trên 18 tuổi. "Tỉ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em, tình trạng nặng và tử vong cũng thấp hơn người lớn rất nhiều, do đó trước mắc cần tập trung phủ vaccine ở nhóm đối tượng lớn hơn là 12-17 tuổi. Khi nhóm trẻ lớn được tiêm chủng đầy đủ thì trẻ nhỏ cũng sẽ được bảo vệ", chuyên gia này phân tích.

Theo giới chuyên môn, phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ em cũng như ở người lớn, đó là các biểu hiện đau đầu, đau khớp, đau cơ, sau tiêm mũi 2 số lượng phản ứng ghi nhận được nhiều hơn. Có 1/100 cháu phản ứng nôn ói sau tiêm, 1/1.000 nổi hạch, 1/1.000 - 1/10.000 gặp phản ứng liệt mặt, phản ứng hiếm gặp hơn là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Đến ngày 6/11, cả nước đã tiêm được 88,5 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó hơn 28,1 triệu người tiêm đủ 2 liều vaccine. Trên cả nước, tỉ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19 là 82% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là hơn 37% dân số từ 18 tuổi trở lên. 

Như Thảo (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe