Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta cần tính đến các phương án rủi ro bùng dịch và chủ động xác định biến thể mới đang lây lan trong cộng đồng.
Theo Tuổi Trẻ, trước tình hình >COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đưa công văn khẩn yêu cầu tăng cường phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, chủ động tìm biến thể mới của Covid-19.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc COVID-19 để xử lý kịp thời, đặc biệt các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2.
Đồng thời, đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm sớm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường.
Các tỉnh, thành chủ động, phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các bệnh viện có khả năng xác định biến thể mới của COVID-19 lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể, biến chủng mới và đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vắc xin COVID-19, cần quan tâm nhóm người có nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch... trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, lưu ý ở các tỉnh, thành lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.
Các tỉnh, thành cũng phải chuẩn bị sẵn sàng thực hiện công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch, có các phương án đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.
Trong đó các địa phương chỉ đạo các cơ sở nhận khách lưu trú bố trí nơi cách ly cho trường hợp khách du lịch nhập cảnh bị mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa, không cần nhập viện.
Theo VietNamNet, đặc biệt, bộ yêu cầu bệnh viện trực thuộc thường trực chống dịch; phối hợp với các viện, địa phương đánh giá nguy cơ dịch bệnh; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương và tổ chức cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Trước đó, các chuyên gia về dịch tễ đều đánh giá ca mắc sẽ tăng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nhận định này dựa trên việc phân tích và kinh nghiệm từ việc đánh giá tình hình dịch tễ của các quốc gia khác. Cụ thể, số ca mắc của các quốc gia đều tăng nhanh trong mùa lễ (giáng sinh, Tết Dương lịch…).
Chuyên gia này đánh giá dựa vào tình hình dịch tễ học, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán số ca mắc, tử vong sẽ tương đối ổn định. Tuy nhiên, sau Tết khoảng 15-30 ngày, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt rõ ràng về ca mắc.
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cũng nhận định nguy cơ bùng phát dịch không chỉ tăng cao trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mùa lễ hội do nhu cầu giao thương du lịch tăng, mà còn là giai đoạn thời tiết chuyển mùa, thay đổi bất thường. Đây là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói thêm, ca mắc và tử vong tại Việt Nam đang được kiểm soát do tỷ lệ tiêm chủng của nước ta thuộc nhóm cao trên thế giới.
Vì vậy, thời gian tới, việc ca mắc tăng cũng không quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, chúng ta cần đưa ra cảnh báo để giảm nguy cơ cho người dân và đỡ gánh nặng cho ngành y tế.