Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 2 ca tử vong mới nhất trong 4 tháng đầu năm. Trong đó, một bệnh nhân tại Hà Nội điều trị viêm phổi trước khi tử vong.
Cụ thể, theo thông tin từ Báo CAND, ca tử vong mới nhất được ghi nhận ở Nam Định. Trước đó, ngày 22/4 ghi nhận 1 ca COVID-19 ở Hà Nội tử vong. Bệnh nhân nam, 47 tuổi, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội được chuyển từ Bệnh viện Phổi Hà Nội sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch, thở máy, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu nặng, suy đa phủ tạng.
Mặc dù dùng thuốc điều trị hồi sức tối đa, tuy nhiên, chỉ sau 19 tiếng nhập viện, bệnh nhân đã qua đời. Trước đó 2 tháng, bệnh nhân từng điều trị bệnh viêm phổi, tràn dịch màng phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Trong ngày 25/4, Việt Nam có 2.501 ca mắc mới COVID-19, cao nhất trong hơn nửa năm qua. Bên cạnh đó, có 819 người mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.618.138 ca.
Trước diễn biến các ca mắc gia tăng, ca bệnh COVID-19 thở oxy cũng tăng theo, đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong sau gần 4 tháng, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19, tập trung ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai) là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng, có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19.
Thời gian nghỉ lễ tới đây, nhu cầu đi lại gia tăng, nhiều địa phương tổ chức các lễ hội chào hè, nhiều khu du lịch mở cửa đón khách… dẫn đến người dân tụ tập đông. Đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang tăng như hiện nay.
Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như mang khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực đông người để tránh lây lan dịch bệnh. Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch…).
Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp như cúm A, cúm B và các bệnh lây qua đường hô hấp khác. Ai có triệu chứng cũng nên xét nghiệm có phải đang mắc COVID-19 hay không để phòng tránh bệnh cho người khác. Người dân cần tuân thủ lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế.
Cũng theo Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống, đề nghị các Sở: Du lịch, GTVT, Công Thương, GD&ĐT cần rà soát lại các văn bản đã ban hành, tiếp tục ban hành các văn bản tăng cường các giải pháp trọng tâm và chịu trách nhiệm triển khai theo phạm vi quản lý của mình. Riêng kỳ nghỉ lễ sắp tới, các sở, ngành cần thống nhất và sẵn sàng về lực lượng ứng trực, đầu mối, số điện thoại và gửi về Sở Y tế Hà Nội. Khi có các tình huống phát sinh, các lực lượng sẽ phối hợp nhanh chóng và kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: "Với tinh thần khẩn trương, chủ động trong công tác phòng, chống dịch, thành phố sẽ tránh các tình huống phát sinh và nguy cơ bùng phát dịch, từ đó, người dân sẽ có kỳ nghỉ lễ an lành".