Những ca bệnh nhân tử vong do COVID-19 thời gian gần đây đều trên nền bệnh khác. Điều đáng nói, bác sĩ cũng đã nhắc nhở về những ca nhập viện trước đó do có sẵn bệnh nền.
Theo thông tin từ Dân Trí, theo Bộ Y tế, mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây, tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh. Số này bao gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này.
Cũng theo Báo CAND, ca mắc >COVID-19 tăng nhanh so với các tuần trước đó, nhiều người phải nhập viện và hầu hết đều phải thở oxy. Điều đáng lưu ý, những người nhập viện đều là người cao tuổi, có bệnh nền như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, huyết áp… nhưng không tiêm vaccine mũi 4, thậm chí có người chưa tiêm mũi vaccine nào.
Theo VietNamNet, ca mắc tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ghi nhận người bệnh là nam, sinh năm 1969, ông được chuyển đến Khoa Bệnh nhiệt đới trong tình trạng nặng, phải thở máy vào ngày 17/4.
Trước đó, người này điều trị tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy với các bệnh lý cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim, suy tim, rối loạn sinh tủy (một dạng bệnh lý tiền ung thư huyết học).
Khoảng giữa tháng 4, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở, nghi ngờ mắc Covid-19. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến khu vực cách ly của Khoa Bệnh nhiệt đới. Sau gần 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân xấu dần và tử vong.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thông tin thêm, từ giữa tháng 4, đơn vị này bắt đầu tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, trung bình mỗi ngày có 1-2 ca mới. Người bệnh hầu hết có bệnh nền như tiểu đường, suy tim, van tim, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy giảm miễn dịch hoặc bệnh bạch cầu cấp. Đa số ca nặng phải tiến hành thở máy hoặc lọc máu.
Bác sĩ cảnh báo trong bối cảnh số ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng đang có xu hướng tăng cao, những người có yếu tố nguy cơ cần được bảo vệ. Cụ thể, người thuộc nhóm nguy cơ cần thực hiện nguyên tắc 2K (đeo khẩu trang, khử khuẩn) và hạn chế đi đến những nơi đông người. Những người sống chung nhà với đối tượng nguy cơ cũng cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt để bảo vệ họ.
Hiện nay Bộ Y tế khuyến cáo đối với nhóm nguy cơ cao bao gồm người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng lượng công an, quân đội, giáo viên, người cung cấp dịch vụ thiết yếu...), công nhân... cần tiêm mũi cơ bản và tiêm nhắc 2 mũi tiếp theo.
Liều cơ bản đối với vaccine AstraZeneca, Pfizer hoặc Moderna, Vero Cell gồm 2 liều. Liều nhắc lại lần 1 (không tính liều bổ sung) tiêm sau khi hoàn thành liều cơ bản ít nhất 3 tháng. Liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) tiêm sau mũi 3 ít nhất 4 tháng.
Đối với người mắc COVID-19 sau khi tiêm hoàn thành liều cơ bản có thể tiêm mũi 3 ngay sau khi hồi phục và hoàn thành cách ly y tế. Tiêm mũi thứ tư 3 tháng sau khi mắc COVID-19.
Bên cạnh việc tiêm vaccine, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tuân thủ nguyên tắc bảo vệ cho mình và người khác tại nơi công cộng bằng cách đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên.