Đây cũng là em bé sơ sinh nhỏ tuổi nhất từ trước tới nay được phẫu thuật tạo hình khe hở mặt phức tạp tại Việt Nam.
Vừa qua, các bác sĩ khoa Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, đã phẫu thuật thành công cho bé trai B.A. (17 ngày tuổi, ở Sơn La) mắc dị tật khe hở mặt phức tạp Tessier 3, 4, 5, 6, gây biến dạng nặng nề nửa khuôn mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng cơ quan của trẻ.
Đến tháng thứ 7 của thai kỳ, mẹ bé A. đi siêu âm lần đầu tiên và được bác sĩ thông báo con bị dị tật vùng mặt rất phức tạp. Một bên mặt bị biến dạng khiến con không thể tự bú mẹ và mà phải ăn qua ống từ lúc sinh ra đến giờ.
Bác sĩ Phạm Tuấn Hùng, khoa Sọ mặt và Tạo hình, cho biết bé B.A. được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi mới 2 ngày tuổi, trong tình trạng có đa khe hở mặt rất phức tạp và hiếm gặp Tessier 3, 4, 5, 6.
Trẻ có khe hở từ môi trên đến ổ mắt phải, khoang miệng thông với ổ mắt khiến lưỡi của trẻ thường xuyên liếm lên cả ổ mắt. Khuyết toàn bộ mi dưới, sàn ổ mắt phải; khuyết xương từ bờ dưới ổ mắt đến toàn bộ 1/2 cung hàm trên bên phải và toàn bộ xoang hàm trên bên phải; nhãn cầu phải tụt xuống dưới, lộ hoàn toàn ra bên ngoài; biến dạng mũi.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn đa chuyên khoa Sọ mặt và Tạo hình, Mắt, Chẩn đoán hình ảnh để tìm ra phương án điều trị tối ưu cho bé.
Trẻ được thăm khám chuyên khoa Mắt để cố gắng bảo tồn chức năng của mắt phải, chụp X-quang, CT sọ mặt, dựng hình 3D đánh giá tình trạng khe hở mặt, cấu trúc của xương.
BS Đặng Hoàng Thơm, Trưởng khoa Sọ mặt và Tạo hình, nhận định dị tật khe hở sọ mặt của bệnh nhi này rất phức tạp và nguy hiểm. Nếu không nhanh chóng được phẫu thuật tạo hình lại các bộ phận trên khuôn mặt sẽ khiến trẻ gặp rất nhiều khó khăn khi ăn uống, sinh hoạt.
Thêm vào đó, nhãn cầu phải của trẻ không được bảo vệ do khuyết toàn bộ mi dưới, nhãn cầu tụt xuống dưới nên không giữ được nước mắt, khiến trẻ dễ bị khô giác mạc.
Đồng thời, ổ mắt phải của trẻ thông với khoang miệng nên lưỡi thường xuyên liếm lên trên vùng mắt, gây viêm quanh mắt, khiến trẻ có nguy cơ cao bị tổn thương mắt, dẫn đến mù lòa.
Sau gần 2 tuần, khi được 17 ngày tuổi và đủ điều kiện về sức khoẻ, bé B.A. bước vào ca phẫu thuật cải thiện ngoại hình và các chức năng trên khuôn mặt.
Bác sĩ Thơm, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, nói: "Do dị tật khe hở mặt rất nặng nề và hiếm gặp, trẻ có đa khe hở sọ mặt phức tạp với độ khuyết hổng lớn, bệnh nhi lại còn quá nhỏ, tổ chức da và cơ rất mỏng manh nên khi phẫu thuật đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác rất cao, cần có kế hoạch và chiến lược tạo hình phù hợp".
Sau gần 4 giờ phẫu thuật, môi của bệnh nhi đã được tạo hình lại, trẻ có thể tự bú, ổ mắt được đưa về vị trí sinh lý bình thường, mi trên và mi dưới đã khép kín, che phủ toàn bộ nhãn cầu, khắc phục được tình trạng chảy tràn nước mắt.
Các khe hở mặt được đóng kín tạo nên khuôn mặt cân đối, tình trạng dị hình trên khuôn mặt trẻ được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, chức năng mắt của trẻ vẫn cần được theo dõi và đánh giá thêm. Trong thời gian tới, bệnh nhi sẽ tiếp tục được các bác sĩ khoa Sọ mặt và Tạo hình theo dõi sự phát triển của xương hàm mặt để can thiệp ghép xương, phẫu thuật khe hở vòm họng, phẫu thuật tạo hình điều chỉnh mũi về vị trí cân đối.