Trong tình trạng thời tiết dễ phát sinh các dịch bệnh, mới đây, Đắk Lắk đã ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu.
Theo thông tin từ Báo VOV, ổ dịch đầu tiên xuất hiện vào ngày 1/2 tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột. Bệnh nhân đầu tiên phát hiện mắc bệnh là Y.B.Ê, sinh năm 2017, ở Buôn Tơng Ju. Hiện, cháu đang học mầm non tại trường Mầm non Eakao, xã Eakao. Điều tra yếu tố dịch tễ, ngành y tế thành phố Buôn Ma Thuột phát hiện có thêm 22 cháu học cùng trường mầm non Ea Kao cũng nhiễm >bệnh thủy đậu.
Ổ dịch thứ hai xuất hiện tại huyện Lắk vào ngày 9/2, với bệnh nhân đầu tiên là H.R.Ê, sinh năm 1999, ở xã Nam Ka. Hiện, ổ dịch này đã phát hiện 6 trường hợp mắc bệnh.
Ngay sau khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, lực lượng y tế đã tiến hành giám sát điều tra dịch tễ các ca bệnh. Tiến hành phun ChloraminB khử khuẩn và cấp ChloraminB cho các trường học ghi nhận ca bệnh khử khuẩn hàng ngày. Đồng thời, hướng dẫn các gia đình có người bệnh thực hiện việc vệ sinh hàng ngày, tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong xã tiêm vaccine thủy đậu, đồng thời, khi có các biểu hiện triệu chứng tương tự như sốt, nổi mụn nước... liên hệ ngay trạm y tế để xử trí kịp thời.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 44 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi và thường xảy ra tại các trường Mầm non và Tiểu học.
Cũng theo thông tin từ Báo Người Lao Động mới đây, theo tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp (EC) về Quy định y tế quốc tế (IHR) liên quan đến sự bùng phát đậu mùa khỉ (mpox) toàn cầu được tổ chức cuối tuần trước đã khuyên ông rằng vẫn nên coi mpox là một PHEIC, và ông đã đồng thuận với lời khuyên đó.
"Hơn 30 quốc gia tiếp tục báo cáo ca bệnh; cũng như khả năng phát hiện và báo cáo không đầy đủ ở một số khu vực là điều đáng lo ngại, đặc biệt là ở các quốc gia mà trước đây đã có báo cáo về việc lây truyền mpox từ động vật sang người" - tiến sĩ Tedros nói.Đây là cuộc họp lần thứ tư của ủy ban IHR mpox, đúng đầu bởi tiến sĩ Jean-Marie Okwo-Bele.
WHO tiếp tục kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì giám sát bệnh mpox và lồng ghép các dịch vụ phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với các chương trình kiểm soát quốc gia, bao gồm cả HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Như vậy toàn thế giới hiện có 3 PHEIC đang lưu hành là COVID-19, đậu mùa khỉ và bại liệt.