Sử dụng thuốc giải độc sớm thì chỉ 48 đến 72 tiếng là có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin trên Báo VnExpress mới đây, cho biết nguyên nhân các bệnh nhân - đang điều trị tại Chợ Rẫy và Nhân dân Gia Định - bị liệt là độc tố botulinum xâm nhập cơ thể.
Theo bác sĩ Hùng, hết thuốc BAT giải độc botulinum là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân và nan giải cho các bác sĩ điều trị.
Người >ngộ độc botulinum sử dụng thuốc giải độc sớm thì chỉ 48 đến 72 tiếng là có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy. Hoặc, bệnh nhân bắt đầu thở máy 1-2 ngày sau khi ngộ độc mà được dùng thuốc thì trung bình 5-7 ngày là có thể hồi phục và cai máy thở, tập vật lý trị liệu để trở lại sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, do không có thuốc giải độc, các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ chủ yếu nuôi dưỡng và cho bệnh nhân thở máy.Hiện Bộ Y tế đã đưa ra phác đồ điều trị trong trường hợp có và không có thuốc giải độc BAT.
Thông tin từ Báo Nhân Dân, theo Cục An toàn thực phẩm, vi khuẩn C.botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm.
Các loại thực phẩm phổ biến dễ gây ngộ độc botulinum là các thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ của hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm. Đặc biệt các thực phẩm đóng hộp được chế biến thô sơ rất dễ nhiễm khuẩn như sữa bột, pho mát, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩm lên men yếm khí. Ngoài ra, tất cả các loại thực phẩm khác như rau, củ, quả, hải sản... vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn C.botulinum nếu không bảo đảm an toàn thực phẩm và được ủ, bọc kín. Đặc biệt, nguy cơ ngộ độc botulinum cũng dễ xuất hiện khi xu hướng sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm tại gia đình gia tăng và sử dụng thực phẩm không đun chín kỹ trước khi ăn.
Cục An toàn thực phẩm lưu ý, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài.
Để phòng, chống ngộ độc do botulinum, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định. Riêng trong sản xuất đồ hộp phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, mầu sắc thay đổi khác thường.
Bên cạnh đó, thực hiện việc ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (dưa muối, măng chua, cà muối...) cần bảo đảm phải đủ chín (chua, mặn). Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Sau khi ăn các thực phẩm nói trên, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.