Khi lượng người dùng YouTube Music tăng đột biến, nhiều người cho rằng điều này không công bằng đối với các nền tảng nghe nhạc trực tuyến khác.
YouTube hiện nay là nền tảng >giải trí xem video phổ biến nhất thế giới. Đây cũng trở thành nơi đưa những sản phẩm của nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng. Với lượng người dùng khổng lồ, mỗi một giờ trên YouTube có thêm hàng nghìn video và hàng chục triệu lượt xem
Mới đây, một công ty dịch vụ phân tích dữ liệu Mobile Index đã cung cấp số liệu người dùng hoạt động hàng tháng trên các nền tảng >âm nhạc tại Hàn Quốc tính đến tháng 1/2021. Trong đó Melon có 7,69 triệu, YouTube Music chiếm 4,08 triệu, Genie Music có 3,98 triệu, Flo với 2,71 triệu và Vibe có 950.000 người dùng.
Điều đáng nói, chỉ trong vòng hơn 2 năm, thị phần của YouTube Music tại Hàn Quốc đã tăng từ 1,7% lên 17,6%, ngược lại, thị phần của Melon giảm tới 30%. Điều này đã nổ ra những tranh cãi tại Hàn Quốc, đất nước có nền âm nhạc rất được ưa chuộng.
Theo Business Korea, ngoài việc được hậu thuẫn bởi nền tảng video lớn nhất thế giới, YouTube Music còn thu hút người dùng nhờ mức phí ưu đãi. Kể từ tháng 3 năm nay, phí đăng ký YouTube Music chỉ còn 8690 won/tháng (tương đương 160.000 VND) và YouTube Premium còn 10.490 won/tháng (khoảng 193.000 VND). Như vậy chỉ cần bỏ thêm 1.800 won/tháng là bạn có thể sử dụng đồng thời YouTube Premium và YouTube Music.
Mức phí trung bình hàng tháng cho các nền tảng phát trực tuyến nhạc Hàn Quốc là khoảng 10.000 won. Ngay cả sau khi áp dụng giảm giá từ công ty viễn thông, giá vẫn rơi vào khoảng 7.000 won. Tức là ngang ngửa việc sử dụng YouTube Premium. Trong khi đó, YouTube Music có lợi thế hơn vì cung cấp nội dung phong phú hơn so với các nền tảng khác.
Tuy nhiên, nền tảng này đang đối mặt với nhiều phản đối từ các chuyên gia trong ngành âm nhạc Hàn Quốc. Nhiều người cho rằng YouTube vốn là một trang cung cấp video. Trong khi các trang nghe nhạc đơn thuần như Melon, Genie hay Apple Music phải chia sẻ 65% cho nhà sáng tạo.
Một chuyên gia trong ngành nói: "Tiêu chuẩn áp dụng cho các nền tảng nghe nhạc và YouTube không giống nhau. Các nền tảng nghe nhạc đơn thuần đối mặt với một hệ thống quy định chặt chẽ hơn". Hiện Ủy ban Công bằng Thương mại Hàn Quốc đã vào cuộc để làm rõ việc mở rộng thị trường của YouTube tại nước này.