Cơ quan chức năng đã có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai do bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ Cường Đôla) điều hành ngừng ngay việc huy động vốn tại dự án Lavida Plus do thay đổi quy hoạch.
Vừa qua, chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Ven sông (tên thương mại Lavida Plus) là Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai do bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ Cường Đôla) và các khách hàng đã mua nhà tại đây hiện như “ngồi trên đống lửa” khi bị cơ quan chức năng yêu cầu ngừng việc huy động vốn tại block A của dự án này.
Dự án Lavida Plus bị thay đổi quy hoạch
Được biết, >dự án Lavida Plus có tên chính thức được cơ quan chức năng cấp phép là Khu dân cư Ven sông tọa lạc tại ngã tư đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM.
Theo quy hoạch, dự án được xây dựng trên khu đất có khuôn viên 22.000 m2, gồm khu phức hợp 2 block A, B với khoảng 1.200 sản phẩm, cao 33 tầng, bao gồm các loại hình sản phẩm như officetel, căn hộ, penthouse, shophouse..., cùng bock C gồm 6 tầng thương mại, tầng 7 là hồ bơi chân mây rộng 2.000 m2 và khuôn viên cây xanh.
Ban đầu, chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận). Đến tháng 11/2017, dự án được chuyển nhượng lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Cuối tháng 12/2017, Sở Xây dựng TP.HCM có Văn bản số 20092/SXD-PTN&TTBĐS chấp thuận việc huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 725 căn hộ thuộc block A.
Tuy nhiên, đến ngày 12/6/2019, Sở Xây dựng TP.HCM bất ngờ có Quyết định số 7028/SXD-PTN&TTBĐS về việc huỷ bỏ văn bản số 20092/SXD-PTN&TTBĐS chấp thuận việc huy động vốn tại dự án này, nguyên nhân là do dự án thay đổi quy hoạch. Cả 2 văn bản chấp thuận và huỷ bỏ đều do ông Nguyễn Văn Danh - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM ký.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến việc này là trước khi chuyển nhượng dự án cho Quốc Cường Gia Lai, Công ty Tân Thuận đã có văn bản gửi Ban Quản lý khu Nam để đề nghị hoán đổi vị trí 2 block A và B.
Cụ thể, tại văn bản số 655/CV-TT ngày 10/10/2017 của Công ty Tân Thuận có nêu, dự án được Ban Quản lý khu Nam cấp phép xây dựng giai đoạn 1 vào ngày 21/4/2017, gồm 1 khối chung cư Block A cao 33 tầng với chức năng là căn hộ ở và khối thương mại dịch vụ cao 6 tầng. Riêng Block B cao 33 tầng, có chức năng căn hộ ở và căn lưu trú (officetel) chưa được cấp phép, vì chưa di dời trụ điện ra khỏi ranh đất xây dựng.
“Sau khi khảo sát, thăm dò thị trường hiện nay, thì nhu cầu dịch vụ lưu trú đang có chiều hướng tăng, cầu nhiều hơn cung. Công ty Tân Thuận kính đề nghị Ban Quản lý khu Nam xem xét, chấp thuận cho phép công ty được hoán đổi vị trí 2 block A và B trong dự án...”, trích dẫn trong văn bản của Công ty Tân Thuận.
Sau khi nhận được văn bản đề nghị trên, Ban Quản lý khu Nam cho rằng, việc hoán đổi vị trí này không làm thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật… Do đó, Ban Quản lý có văn bản xin ý kiến UBND TP.HCM về việc chấp thuận hoán đổi vị trí này. Ngày 31/10/2017, UBND TP.HCM đã chấp thuận tại Công văn số 6826/UBND-ĐT.
Ngay sau đó, Ban Quản lý khu Nam có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án. Đồng thời, có Thông báo số 50 đề nghị chủ đầu tư (lúc này là Công ty Quốc Cường Gia Lai) liên hệ Sở Xây dựng để làm thủ tục chấp thuận đầu tư; lấy ý kiến Bộ Xây dựng về việc thẩm định lại thiết kế cơ sở; báo cáo Sở Tài nguyên - Môi trường về các nội dung thay đổi như tên chủ đầu tư, quy hoạch so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt…
Sau khi chủ đầu tư bổ sung hồ sơ, ngày 24/5/2018, Sở Xây dựng TP.HCM đã có Thông báo số 5897/TB-SXD-VP đề nghị Quốc Cường Gia Lai liên hệ Ban Quản lý khu Nam để làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, Thông báo số 5897 do ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, ký lại không xác định rõ dự án có phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư hay không. Do đó, Ban Quản lý khu Nam lại có văn bản đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn cụ thể về việc này.
Đến ngày 15/8/2018, Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức họp để giải quyết vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư của dự án. Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng lúc bấy giờ là ông Trần Trọng Tuấn đã giao Ban Quản lý khu Nam điều chỉnh Giấy phép xây dựng cho Quốc Cường Gia Lai.
Sau đó, Ban Quản lý tổ chức họp để điều chỉnh Giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, có 2 vấn đề liên quan đến thủ tục chấp thuận đầu tư và chấp thuận chuyển nhượng một phần dự án mà Ban Quản lý khu Nam cần phải xin ý kiến của Sở Xây dựng, nên việc điều chỉnh vẫn chưa thể thực hiện.
Trường hợp thứ nhất, điều chỉnh Giấy phép xây dựng mà chỉ điều chỉnh nội dung, không đổi tên chủ đầu tư (Công ty Tân Thuận) thì không phải thực hiện các thủ tục về đầu tư nêu trên. Trường hợp thứ hai, điều chỉnh Giấy phép xây dựng mà điều chỉnh tên chủ đầu tư (từ Công ty Tân Thuận sang Quốc Cường Gia Lai) thì phải thực hiện lại các thủ tục từ đầu…
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tại Quyết định số 6171/QĐ-UBND ngày 23/11/2017, UBND TP.HCM đã đề nghị bên nhận chuyển nhượng dự án tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng theo Giấy phép số 09/GPXD-BQLKN, không đề cập đến việc thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư. Do đó, Sở Xây dựng đồng ý cho Ban Quản lý khu Nam điều chỉnh Giấy phép xây dựng.
Ngày 17/5/2019, Ban Quản lý khu Nam điều chỉnh giấy phép xây dựng với nội dung hoán đổi vị trí công trình khối A và khối B của khu 4. Chưa đầy 1 tháng sau, Sở Xây dựng TP.HCM có quyết định hủy bỏ văn bản cho Công ty Quốc Cường Gia Lai bán nhà ở hình thành trong tương lai với khối A của dự án.
Chia sẻ vấn đề này, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, căn cứ theo văn bản mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM, thì dự án trở về hiện trạng không đủ điều kiện đưa vào giao dịch do có sự thay đổi cơ cấu dự án. Vì vậy, các giao dịch trước đây về việc thu tiền trước của khách hàng phải ngừng lại (ngừng thu tiền tiếp) và chờ kết quả của chủ đầu tư làm việc với Sở Xây dựng. Khi đó, sẽ có 2 trường hợp, một là quay lại quyết định dự án cũ, hai là theo điều chỉnh mới và chủ đầu tư nộp hồ sơ tới Sở Xây dựng để xét đủ điều kiện rồi tiến hành thu tiền tiếp.
“Các khách hàng đã mua căn hộ ở đây hiện đang phải đối mặt với rủi ro là không biết chủ đầu tư có làm xong thủ tục pháp lý hay không và có được chuyển nhượng hợp đồng cho người khác hay không”, Luật sư Phượng chia sẻ.
Cũng theo Luật sư Phượng, việc khách hàng có được chuyển nhượng hợp đồng hay không thì hiện tại rất khó trả lời. Nhưng theo lý thuyết, Sở Xây dựng đã thu hồi Văn bản số 20092/SXD-PTN&TTBĐS, thì ngừng chuyển nhượng hợp đồng luôn.
Quốc Cường Gia Lai nói gì?
Liên quan đến vụ việc này, chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai (mẹ Cường Đôla) cho biết, việc hoán đổi giữa block A và B ở đây thực chất là hoán đổi công năng, chứ không phải vị trí xây dựng. Tức là Quốc Cường Gia Lai hiện vẫn đang xây dựng tại vị trí cũ (block A - PV), nay xin đổi thành công năng của block B để có thêm phần căn hộ lưu trú.
Việc Sở Xây dựng hủy bỏ văn bản cho phép công ty bán nhà ở hình thành trong tương lai với Khối A là không sai. Tuy nhiên, điều mâu thuẫn mà Sở Xây dựng đưa ra là yêu cầu Công ty liên hệ Sở Xây dựng, cụ thể là Phòng Phát triển đô thị để được hướng dẫn thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư. Trong khi đó, thời điểm Quốc Cường Gia Lai xin điều chỉnh Giấy phép xây dựng thì Sở Xây dựng đồng ý cho Ban Quản lý khu Nam điều chỉnh vì không đề cập đến việc thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư.
Về quyền lợi của khách hàng đã mua nhà tại dự án Lavida Plus, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai nói rằng, theo đúng tiến độ thì khoảng tháng 9/2019 chủ đầu tư sẽ bàn giao thô cho khách hàng, còn những khách hàng mua hoàn thiện thì sẽ nhận sau 1 quý nữa.
Hiện tại, dự án vẫn đang được tiến hành xây dựng để kịp bàn giao theo đúng tiến độ. Sở Xây dựng không cho thu tiền của khách hàng nữa thì chủ đầu tư sẽ tự bỏ tiền ra để làm, khi nào hoàn thành xong thủ tục pháp lý thì mới tiến hành thu.
“Dự án bị yêu cầu ngừng việc huy động vốn chứ không phải ngừng xây dựng, nên Công ty vẫn tiến hành làm. Công ty chấp nhận bỏ tiền ra nhiều hơn để kịp tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng”, bà Như Loan khẳng định.