Nằm trên vị trí đất vàng thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, dự án xây dựng khu đô thị An Dương của Công ty TNHH Xây dựng IDC được Thủ tướng ký quyết định từ năm 1999 đến nay mới bàn giao được hơn một nửa diện tích. Điều đáng nói, dự án này treo 20 năm vì năng lực của chủ đầu tư và hiện tại đang trở thành bãi rác của người dân.
Ngày 28/9/1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 914/QĐ-TTg thu hồi 13.970 m2 đất tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC xây dựng khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng kinh doanh và văn phòng làm việc với tên gọi là khu đô thị An Dương.
Trong đó 8.400m2 đất do UBND quận Tây Hồ quản lý, 5.570m2 đất do UBND phường Yên Phụ và các hộ dân quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, qua nhiều năm, dự án mới triển khai được một phần do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và năng lực chủ đầu tư.
Theo báo cáo của UBND quận Tây Hồ tại Văn bản số 532/UBND-TNMT ngày 17/4/2016, hiện nay, quận đã bàn giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC 7.900 m2; diện tích chưa bàn giao là 6.070 m2.
Việc dự án chậm triển khai ảnh hưởng trực tiếp đến >đời sống người dân tại khu dân cư số 7 và 8 phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Nhiều hộ dân rơi vào tình trạng muốn chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất, xây dựng nhà... nhưng không thể thực hiện do “vướng” quy hoạch.
Trước thực trạng trên, cử tri đã đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết những tồn đọng của dự án để các hộ dân nằm trong dự án ổn định cuộc sống.
UBND Thành phố đã có các Thông báo số 04/TB-VP ngày 6/01/2016, 5290/VP-KT ngày 28/6/2016, Thông báo số 339/TB-UBND ngày 5/9/2016 và Thông báo số 1189/TB-UBND ngày 10/10/2017 chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Cụ thể, đối với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng giao Công ty TNHH Xây dựng IDC tiếp tục sử dụng để thực hiện dự án. Đối với diện tích chưa giải phóng mặt bằng giao UBND quận Tây Hồ quản lý, thực hiện việc chỉnh trang khu dân cư theo quy hoạch.
Các diện tích phù hợp quy hoạch đất ở UBND quận phải xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu nghĩa vụ tài chính theo quy định. Với phần diện tích đất nằm trong quy hoạch thì thu hồi, hoàn thiện hạ tầng xã hội và hệ thống kỹ thuật (HTKT), khớp nối HTKT khu vực, yêu cầu đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy.
Đối với diện tích do các hộ gia đình lấn chiếm đất hồ An Dương (sau khi san lấp), UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm xử lý theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Được biết, dự án nhà ở và văn phòng làm việc tại khu hồ An Dương của Công ty TNHH Xây dựng IDC làm chủ đầu tư là dự án xã hội hóa đầu tiên của Thủ đô. Trước đó, dải đất có diện tích 8.400m2 thuộc hồ An Dương bị bỏ hoang từ lâu, thuộc quyền quản lý của UBND quận Ba Đình (sau thuộc quận Tây Hồ), trở thành nơi chứa rác thải của các hộ dân xung quanh gây ô nhiễm môi trường.
Giải quyết thực trạng trên, UBND quận Ba Đình đã đề nghị TP. Hà Nội cho phép quận được sử dụng dải đất hồ này, san lấp tạo mặt bằng, xây dựng nhà ở thấp tầng. Những năm 1990, nền kinh tế mới còn nhiều khó khăn bất ổn, nhà nước phải kêu gọi huy động đầu tư từ nhân dân.
Công ty IDC được giao thực hiện hạng mục san lấp Hồ An Dương theo giấy phép sử dụng đất số 2705UBXDCB và hồ sơ mốc địa giới ngày 22/2/1992. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án bị treo tròn hai mươi năm khiến Công ty TNHH Xây dựng IDC rơi vào hoàn cảnh nợ nần.