Thanh tra TP.HCM được giao thay mặt UBND TP.HCM báo cáo kết quả xử lý các sai phạm của dự án Đức Long Golden Land, trong đó có liên quan đến đất công, cho cơ quan Trung ương, để các cơ quan Trung ương có chỉ đạo xử lý theo quy định.
VNN ngày 20.5 đưa tin, Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, giao Thanh tra TP.HCM báo cáo vụ việc liên quan đến đất công tại >dự án Đức Long Golden Land lên các cơ quan Trung ương. Văn bản được đưa ra sau khi có đơn tố cáo của người dân về hàng loạt sai phạm tại dự án này, có nội dung liên quan đến đất công.
Nội dung văn bản cũng cho biết Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đồng ý với nội dung kết luận, kiến nghị của Thanh tra TP.HCM tại Báo cáo ngày 4.3.2019. Ông giao cho Sở Xây dựng TP.HCM và các sở ngành có liên quan hướng dẫn chủ đầu tư triển khai các thủ tục hành chính tiếp theo của dự án theo đúng quy định pháp luật.
Ông Tuyến cũng giao Thanh tra TP.HCM căn cứ ý kiến của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM, ý kiến giải trình của các sở ngành, đối với Báo cáo ngày 1.11.2018, của Chánh Thanh tra TP, báo cáo đề xuất (nếu có) đối với các nội dung cần tiếp tục giải quyết để kết thúc hồ sơ vụ việc. Thanh tra TP cũng được giao thay mặt UBND TP báo cáo kết quả xử lý cho cơ quan Trung ương, để các cơ quan Trung ương có chỉ đạo xử lý theo quy định.
VNN cho biết, dự án Đức Long Golden Land có tên gọi khác là Dragon Court hay Sunshine Apartment, tọa lạc tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, tổng diện tích 11.000m2, do Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Vạn Gia Long (thành viên của Đức Long Gia Lai Land) làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo gần đây của Sở Xây dựng thì dự án này được giao 6.641,1m2 đất công theo quy định và không gây thiệt hại cho nhà nước. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia thì cần xem xét lại việc giao đất công có đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 hay không. Bởi theo quy định tại Điều 118 Luật này, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, phải qua đấu giá, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trước đó, vào ngày 13.9.2018, UBND TP.HCM đã lập đoàn kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm tại dự án này, sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân. Trong đơn, người dân phản ánh một số dấu hiệu vi phạm như chủ đầu tư chưa bồi thường và giải phóng mặt bằng vẫn được cấp phép quy hoạch; năng lực tài chính của chủ đầu tư; phần đất công trong dự án đã biến mất, dự án chuyển nhượng gây thiệt hại cho Nhà nước; dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng đã và đang bán ra thị trường,...
Qua rà soát, Thanh tra TP.HCM xác định Công ty Vạn Gia Long có dấu hiệu đưa dự án vào kinh doanh khi chưa đủ điều kiện, sai phạm liên quan đến đất công...
Đến cuối tháng 12.2018, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến vừa giao Thanh tra TP.HCM chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để điều tra hoặc để được hỗ trợ làm rõ trách nhiệm trước pháp luật của các cá nhân, tổ chức có liên quan, qua các thời kỳ. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan rà soát toàn bộ pháp lý dự án, đề xuất các nội dung, thủ tục để dự án tiếp tục triển khai thực hiện, với điều kiện không được làm ảnh hưởng đến công tác điều tra.
Trong văn bản kiến nghị khẩn trương giải quyết những ách tắc lớn nhất của doanh nghiệp mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp xem xét cũng có nêu đến trường hợp của dự án Đức Long Golden Land.
Theo đó, HoREA cho rằng dự án Đức Long Golden Land có tỉ lệ đất công chiếm đến trên 60% (6.641,1m2 trong tổng diện tích 11.000m2) nhưng đã được giải quyết thủ tục mà không bị vướng mắc. Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá là được giao đất đúng quy định và không gây thiệt hại cho Nhà nước.
Trong khi đó, dự án Q7 Saigon Riverside Complex chỉ có 1.758,5m2 đất công, chiếm tỷ lệ 2,2% diện tích, nằm phân tán trong 5 thửa đất xen cài nhưng lại đang chịu cảnh ách tắc trong việc tính tiền sử dụng đất.
Tương tự, nhiều dự án có quỹ đất hỗn hợp xen cài diện tích đất công, chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 10% diện tích dự án, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.
Những sự việc trên khiến dư luận lo ngại về vấn đề tạo môi trường kinh doanh công bằng giữa các doanh nghiệp.