Hàng loạt sổ đỏ condotel bị thu hồi do làm sai luật; dự án ở quận 7 được giao đất công không qua đấu giá; Khánh Hòa điều tra việc mua bán tại dự án Phúc Sơn… là những sự kiện đáng chú ý nhất tuần vừa qua.
- Bất động sản nghỉ dưỡng khu vực nào sẽ trở thành điểm “nóng”?
- Hà Nội thu hồi 2 dự án không qua đấu thầu
Hàng loạt sổ đỏ condotel bị thu hồi
Trong văn bản báo cáo một số kiến nghị của doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết Công ty 586 là chủ đầu tư dự án trên đất có mục đích sản xuất - kinh doanh - thương mại - dịch vụ, trong đó có căn hộ condotel tại thành phố Đà Nẵng.
Công ty này phản ánh tình trạng trước đây UBND TP Đà Nẵng và một số địa phương khác đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel trên đất có mục đích sản xuất - kinh doanh - thương mại - dịch vụ có thời hạn ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở, tại thời điểm năm 2008.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã kết luận về việc cấp như trên là sai, gây thất thu ngân sách nhà nước. Để sửa sai, TP Đà Nẵng đã chọn phương án cấp lại sổ đỏ cho người mua căn hộ condotel trên đất, thay thế cho sổ đỏ có thời hạn ổn định lâu dài được cấp từ năm 2008. Theo quy định của Luật đất đai, thời hạn sử dụng của người mua nhà ghi trên sổ đỏ chỉ còn là 39 năm (Dự án đã đưa vào sử dụng 11 năm, tính từ năm 2008).
Trước đó, nhiều dự án trên địa bàn thành phố này vẫn được môi giới quảng cáo là condotel được cấp sổ đỏ, sở hữu lâu dài. Thậm chí, nhiều dự án condotel ở Khánh Hòa, Bình Định cũng được chủ đầu tư cấp sổ, sở hữu lâu dài. Tuy nhiên, tất cả những trường hợp đó đã bị “thổi còi” vì thực hiện không đúng quy định của pháp luật.
‘Kẻ khóc người cười’ trên đất công
Cùng là dự án có sử dụng đất công ở quận 7, nhưng dự án có đất công chiếm tỷ lớn đã thông thủ tục, trong khi dự án có đất công chiếm tỷ lệ nhỏ hơn thì “trầy trật” kiến nghị vẫn chưa được giải quyết.
Đây là vấn đề thực tế đang diễn ra tại TP.HCM, được nêu trong văn bản kiến nghị khẩn trương giải quyết những ách tắc lớn nhất của doanh nghiệp, do HoREA trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tư pháp xem xét.
Cụ thể, dự án Saigon Riverside Complex chỉ có 1.758,5m2 đất công, chiếm tỷ lệ 2,2% diện tích, nằm phân tán trong 5 thửa đất xen cài nhưng lại đang chịu cảnh ách tắc trong việc tính tiền sử dụng đất. Cùng chung cảnh ngộ, nhiều dự án có quỹ đất hỗn hợp xen cài diện tích đất công, chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 10% diện tích dự án, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.
Trong khi đó, dự án Đức Long Golden Land có tỷ lệ đất công chiếm đến trên 60% lại được giải quyết thủ tục mà không bị vướng mắc. Dự án này được giao 6.641,1m2 đất công theo quy định và được Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá là không gây thiệt hại cho nhà nước.
Sự việc 2 dự án cùng có đất công, nhưng dự án có tỉ lệ đất công trên 60% thì thông thủ tục, dự án có tỉ lệ đất công chỉ 2,2% thì bị vướng, khiến dư luận không khỏi lo ngại về việc tạo môi trường kinh doanh công bằng giữa các doanh nghiệp.
Khánh Hòa điều tra việc mua bán tại dự án Phúc Sơn
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà mới đây đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo công an xử lý việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản tại dự án sân bay Nha Trang cũ của Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn.
Qua kiểm tra vào tháng 3/2018, chủ đầu tư dự án đã đưa bất động sản của dự án vào kinh doanh, thu tiền của khách hàng khi chưa đủ điều kiện là vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thu tiền của khách hàng, lập biên bản vi phạm và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà, để có cơ sở xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư này, cần thiết phải có thông tin chính xác và thu thập đầy đủ hồ sơ liên quan để làm cơ sở xử lý tiếp theo.
Nóng việc điều chỉnh quy hoạch ở khu Ngoại giao đoàn
Ngày 12/5, hàng trăm cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng nhau căng băng rôn phản đối việc UBND TP Hà Nội quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết. Trong đó, có điều chỉnh khu đất có ký hiệu ĐMKT (đầu mối kỹ thuật) có diện tích hơn 4.800m2 thành công trình bệnh viện u bướu. Người dân cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch, quyền lợi cũng như chất lượng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài vấn đề về điều chỉnh quy hoạch, vấn đề sổ đỏ cũng khiến cư dân tại đây bức xúc. Thực tế, có những hộ dân nhận bàn giao nhà, ở đây từ năm 2015, nhưng đến nay đã gần 4 năm vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao sổ đỏ. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng của của khu đô thị hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa hoàn thiện, thiếu an toàn.
Khu Đoàn Ngoại giao do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư, với quy mô 62,8ha. Dự án nổi tiếng là khu đô thị có mật độ xây dựng thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng…