Tính tới hôm nay 26/2, số ca lây nhiễm mới và tử vong ở Trung Quốc có dấu hiệu giảm trong khi tình hình ở nước ngoài lại có chiều hướng xấu đi.
Tốc độ lây nhiễm COVID-19 có xu hướng giảm tại Trung Quốc, nhưng tăng ở nước ngoài
Dường như Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19), nhưng dịch bệnh này lại đang có chiều hướng bùng phát nhanh và mạnh hơn tại >Hàn Quốc, Iran và Italy.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm thứ Ba (25/2) ghi nhận thêm 71 ca tử vong, 508 ca nhiễm COVID-19 mới trên toàn quốc, giảm nhẹ so với ngày 24/2 và thấp hơn nhiều so với thời điểm cuối tháng 1 - đầu tháng 2. Số ca tử vong được xác nhận trong ngày 25/2 là mức thấp nhất từng được ghi nhận trong vòng 2 tuần gần đây.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, tổng số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trong ngày 26/2 đã lên đến 1.146 người, tổng số ca tử vong tăng lên 11 người. Trong số đó, hơn một nửa số trường hợp nhiễm COVID-19 là cư dân tại tâm dịch Daegu.
Cùng ngày, Iran đã trở thành quốc gia có tổng số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 2 trên toàn thế giới (15 người), chỉ sau Trung Quốc. Sự bùng phát của dịch bệnh này tại Iran đã dấy lên những lo ngại về nguy cơ dịch bệnh lây lan trên toàn khu vực Trung Đông.
Tại Italy, chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực hết sức nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát mạnh.
Thứ trưởng Y tế Iran có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới
Bộ Y tế Iran và Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi đã xác nhận thông tin này vào ngày 25/2 vừa qua.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước IRNA, một phát ngôn viên Bộ Y tế Iran cho biết ông Harirchi đã cảm thấy mệt mỏi và có một số triệu chứng giống cúm vào ngày 24/2, trước khi cuộc họp báo của bộ diễn ra. Đến ngày 25/2, ông này chính thức nhận kết quả dương tính với virus corona chủng mới.
Hiện chưa rõ ông Harirchi đã bị lây nhiễm bệnh như thế nào, nhưng theo lời một số quan chức quốc tế, có thể ông đã bị lây bệnh sau khi tiếp xúc với một số người nghi nhiễm COVID-19.
Cùng ngày, vị quan chức này đã tự quay một đoạn video về quá trình cách ly tại nhà và điều trị bằng thuốc. Trong đoạn video, ông đã nói rằng COVID-19 "không phân biệt giàu nghèo", đồng thời trấn an người dân Iran rằng nước này chắc chắn sẽ đánh bại dịch bệnh.
Các trường hợp nhiễm mới tại châu Âu
Khách sạn năm trên hòn đảo nghỉ dưỡng Tenerife đã bị phong tỏa trong ngày 25/2, sau khi một du khách Italy nghỉ dưỡng tại đây có kết quả dương tính với virus corona chủng mới.
Theo các hãng tin địa phương, khoảng 1.000 vị khách đang bị "mắc kẹt" trong khách sạn này. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về thời gian khách sạn này bị phong tỏa.
Trong khi bệnh nhân người Italy đang được cách ly tại một bệnh viện trên đảo, thì những vị khách còn lại của khách sạn cũng được yêu cầu tự cách ly trong phòng mình để chờ đợi các điều tra viên y tế tìm kiếm những người đã tiếp xúc với người bệnh.
Còn tại Italy, nỗi lo của chính quyền và người dân cũng ngày càng gia tăng khi tổng số người nhiễm COVID-19 tại nước này tiếp tục tăng lên 322 ca nhiễm và 11 ca tử vong đến thời điểm hết ngày 25/2.
Tình hình dịch bệnh tại Italy cũng khiến nhiều nước láng giềng châu Âu quan ngại, do Chính sách thị thực Khối Schengen cho phép công dân châu Âu tự do di chuyển giữa các quốc gia trong khối này.
Áo, Croatia và Thuỵ Sĩ xác nhận các ca nhiễm virus corona đầu tiên, đồng nghĩa với việc hiện đã có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch COVID-19.
Chính phủ Italy đã triển khai quân đội đến "vùng đỏ" - khu vực tâm dịch vào ngày 25/2 vừa qua - đồng thời lắp đặt thêm các trạm kiểm soát, nhằm hỗ trợ chính quyền địa phương kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, đã có 2 trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận ở ngoài "vùng đỏ".
Tới thời điểm hiện tại, các quan chức Italy vẫn cho rằng chưa cần thiết phải đóng cửa biên giới. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nói virus corona có thể lây lan mà "không quan tâm đến đường biên giới". Ngoài ra, sự xuất hiện của virus này tại châu Âu vẫn còn là một bí ẩn khi chưa thể tìm thấy mối liên hệ trực tiếp của bệnh nhân với Trung Quốc.
Tổng thống Trump: Tình hình tại Mỹ đang "nằm trong tầm kiểm soát"
Trong khi nhiều ý kiến tại Mỹ bày tỏ lo ngại về diễn biến của dịch bệnh COVID-19, thì Tổng thống Donald Trump hôm thứ 3 (25/2) lại có thái độ khá tự tin trước dịch bệnh này.
Cụ thể, trả lời các phóng viên trong buổi họp báo tại New Delhi, Ấn Độ, ông Trump cho biết tình hình tại Mỹ đang "nằm trong tầm kiểm soát" và mọi chuyện "rồi sẽ ổn".
[Số ca nhiễm COVID-19] tại Mỹ rất ít. Họ đều đang hồi phục, tất cả bọn họ đều đang hồi phục rồi", ông Trump nói. "Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Rất nhiều tài năng, rất nhiều chất xám đang tập trung vào đó".
Hôm 24/2, chính quyền Tổng thống Trump đã đề nghị Quốc hội chấp thuận khoản ngân sách 2,5 tỉ USD để ngăn chặn dịch COVID-19, trong đó gồm 1,25 tỉ USD từ các quỹ khẩn cấp và 1,25 tỉ USD được huy động từ các chương trình liên bang khác.
Mặc dù vậy, Dân biểu Nita M. Lowey của thành phố New York - Chủ tịch Ủy ban Thẩm định của Hạ viện cho biết đề xuất này "không đủ".
WHO: Các quốc gia cần sẵn sàng khi dịch COVID-19 "gõ tận cửa"
Tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 25/2, phát ngôn viên WHO Christian Lindmeier đã cho biết hiện các quan chức của tổ chức này đang nhóm họp ở Rome để thảo luận về tình hình và biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 tại Ý.
Trong khi đó, phái đoàn chuyên gia được WHO cử tới Iran lại chưa thể lên đường, dù diễn biến của dịch bệnh tại Iran ngày càng phức tạp với số ca nhiễm mới, tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng.
Ông Lindmeier đã cảnh báo nguy cơ COVID-19 "gõ tận cửa" từng nước, thông qua đó kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.