Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hôm nay chưa “chốt” sẽ cho học sinh, sinh viên đi học trở lại vào ngày 2/3 mà phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch Covid-19 rồi mới quyết định.
- Đà Nẵng cách ly để theo dõi 1 người vừa về từ Hàn Quốc nghi nhiễm virus Corona
- Tung tin 'bị nhiễm virus corona, sớm gặp ông bà' trên facebook, 'Quân mã tấu' bị phạt 10 triệu
Việt Nam chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị
Chiều 24/2, Thường trực Chính phủ họp bàn biện pháp tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, với tinh thần chủ động, bình tĩnh, quyết liệt, Việt Nam đã ngăn chặn hiệu quả dịch Covid – 19. Việt Nam có 16 trường hợp nhiễm, 15 người ra viện, 1 người có khả năng sớm lành bệnh.
"Chúng ta thực hiện tinh thần chống dịch như chống giặc nên số người lây nhiễm ít, áp dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ, đặc biệt biện pháp cách ly được thực hiện có hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài Trung Quốc ra, một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng là những quốc gia có tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Vì vậy, Thủ tướng lưu ý, không được để bệnh dịch lây lan, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Cuộc họp hôm nay thảo luận đề ra những biện pháp quyết liệt, cụ thể, đặc biệt trong tình hình mới bùng nổ ở các nước để công cuộc phòng chống dịch đạt kết quả tốt nhất như quốc tế nhìn nhận trong thời gian qua.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến 12h hôm nay, trên thế giới ghi nhận 79.363 trường hợp mắc tại 33 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 2.619 trường hợp tử vong.
Số trường hợp mắc hầu hết tại Trung Quốc chiếm 97% (77.150). Một số quốc gia khác có sự gia tăng và đã phát hiện trường hợp mắc thứ phát tại cộng đồng như: Hàn Quốc (763 mắc/7 tử vong; Nhật Bản (146 mắc/1 tử vong).
Tại Việt Nam, không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 13/02/2020. Đến nay, Việt Nam ghi nhận có 16 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong và đã điều trị khỏi 16/16 trường hợp.
"Đến nay chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị, chưa có trường hợp lây từ người bệnh sang thầy thuốc và không có bệnh nhân tử vong", Thứ trưởng Tuyên thông tin.
Ông Tuyên cho hay, việc áp dụng biện pháp khoanh vùng toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (nơi ghi nhận chùm ca bệnh gồm 6 người) là mô hình tốt, chuyển từ biện pháp cách ly trường hợp bệnh sang cách ly một cộng đồng đã cho thấy hiệu quả của biện pháp này, tạo tâm lý cho người dân an tâm, tin tưởng vào biện pháp quyết liệt của chính quyền trong việc ngăn chặn dịch;
Với 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về, Việt Nam cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đủ 14 ngày, 100% các trường hợp xét nghiệm âm tính, đang hoàn thiện thủ tục cho về nơi học tập, công tác và cư trú.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia y tế khuyến cáo không chủ quan trước tình hình dịch bệnh và tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp trong thời gian tới.
"Vẫn còn nguy cơ ghi nhận thêm một số trường hợp trong cộng đồng", ông Tuyên báo cáo với thường trực Chính phủ.
Liên quan đến việc cho học sinh đi học trở lại (dự kiến từ ngày 2/3), theo ông Tuyên, hiện nguy cơ lây nhiễm trong nhóm học sinh, sinh viên được đánh giá rất thấp vì dịch bệnh chưa xuất hiện trong cộng đồng.
Bộ Giáo dục Đào tạo đã chủ động hướng dẫn biện pháp dự phòng trong toàn hệ thống giáo dục. Các trường học cũng đã thực hiện và hướng dẫn các biện pháp liên quan tới trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường, công tác vệ sinh, tiêu trùng khử độc với cơ sở giáo dục, đảm bảo vệ sinh môi trường...
Ông Tuyên cho rằng, việc kéo dài kỳ nghỉ sẽ dẫn đến tâm lý xã hội bất an trong khi tình hình dịch có thể kéo dài.
Chưa chốt việc cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2-3
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng kiến nghị, Bộ GD-ĐT theo thẩm quyền quyết định cho học sinh trung học, phổ thông, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm đi học trở lại trong toàn quốc trong ngày 2/3.
Đối với học sinh mầm non và tiểu học, THCS, Bộ GD-ĐT có thể xem xét quyết định cho nghỉ học thêm 2 tuần sau đó quyết định cụ thể thời điểm đi học tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Nhắc đến vấn đề lịch đi học của học sinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua đã phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng lớp học và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó, Bộ đã có văn bản về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, sẽ kết thúc năm học trước ngày 30/6, hoàn thành tuyển sinh lớp 10 trước ngày 15/8 và thi THPT Quốc gia từ ngày 23/7 đến 26/7. Sau khi tính toán kỹ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đề nghị các địa phương xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ 2/3 để đảm bảo thời gian kết thúc năm học.
"Dịch diễn biến phức tạp, không thể ngồi chờ hết dịch mới cho học sinh đi học, nên kiến nghị Thủ tướng phê duyệt đề nghị trên, theo khung thời gian chung vì mỗi địa phương một mốc sẽ khó điều hành", Bộ trưởng Nhạ đề nghị.
Tuy nhiên sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hôm nay sẽ chưa chốt việc cho học sinh đi học trở lại vào 2/3 mà phải chờ đến ngày 27-28/2, xem tình hình dịch diễn biến, bùng phát ra sao mới đưa ra quyết định.
“Chúng ta phải cân nhắc điều này để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.