Các nhà chức trách đã sơ tán gần 2.500 người khỏi đảo Corfu của Hy Lạp hôm 24/7 khi quốc gia này đang trong "cuộc chiến" với các vụ cháy rừng.
Hàng chục nghìn người đã phải tháo chạy khỏi đám> cháy trên đảo Rhodes, trong đó nhiều du khách sợ hãi tranh nhau về nhà trên các chuyến bay sơ tán.
Khoảng 2.400 du khách và người dân địa phương đã được sơ tán khỏi đảo du lịch Corfu thuộc Ionian, CNN dẫn lời một phát ngôn viên của lực lượng cứu hỏa cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng việc sơ tán là để đề phòng.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis phát biểu trước quốc hội: "Chúng ta đang trong cuộc chiến với lửa và chỉ hướng đến mặt trận cứu hỏa", cảnh báo rằng quốc gia phải đối mặt với "3 ngày khó khăn nữa" trước khi nhiệt độ cao được dự báo sẽ giảm bớt.
Hy Lạp đã phải chịu một đợt nắng nóng cực độ kéo dài làm gia tăng nguy cơ >cháy rừng và khiến du khách bị mắc kẹt trong mùa du lịch cao điểm.
Kelly Squirrel, một quản trị viên giao thông đến từ Vương quốc Anh, cho biết cảnh sát đã ra lệnh cho những người từ khách sạn của cô ở Rhodes sơ tán.
"Chúng tôi phải đi bộ liên tục", cô nói tại sân bay quốc tế. "Chúng tôi đã đi bộ khoảng 6 giờ trong cái nóng."
Rhodes, nơi đón 2,5 triệu lượt du khách vào năm 2022, là một trong những điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu của Hy Lạp.
Truyền hình Hy Lạp phát hình ảnh hàng dài người, một số người mặc đồ đi biển, kéo vali dọc theo các con đường của hòn đảo vào ngày 21/7, khi lệnh sơ tán được ban hành.
Khoảng 30.000 người đã được sơ tán khỏi ngọn lửa ở Rhodes vào cuối tuần, đây là cuộc sơ tán cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay của đất nước.
Cảnh sát cho biết 16.000 người đã được di chuyển trên bộ và sơ tán 3.000 người bằng đường biển. Những người khác phải di tản bằng đường bộ hoặc sử dụng phương tiện di chuyển của chính họ sau khi được yêu cầu rời khỏi khu vực.
Daniel-Cladin Schmidt, một du khách người Đức 42 tuổi đang chờ được sơ tán cùng vợ và đứa con trai 9 tuổi cho biết: "Chúng tôi kiệt sức và thấy rất ám ảnh. Có hàng ngàn người, xe buýt không thể đi qua, chúng tôi phải đi bộ hơn hai giờ", anh nói tại sân bay Rhodes.
"Chúng tôi không thể thở được, chúng tôi chỉ biết che mặt và tiến về phía trước".
Khách du lịch và một số người dân địa phương đã qua đêm trong các phòng tập thể dục, trường học và trung tâm hội nghị khách sạn trên đảo.
Tại sảnh khởi hành của sân bay quốc tế, AFP ghi nhận nhiều nhóm khách du lịch ngủ trên sàn, xung quanh là hành lý.
"Chúng tôi phải cho một người phụ nữ mượn quần áo của vợ tôi vì cô ấy không có gì để mặc", Kevin Sales, một kỹ sư đến từ Anh, nói với AFP. "Điều đó thật tồi tệ".
Một số công ty du lịch đã tạm dừng các chuyến bay du lịch nội địa đến Rhodes và hỗ trợ đưa người nước ngoài về nước.
"Chúng tôi đã chạy 10 km với tất cả hành lý của mình để thoát khỏi ngọn lửa", trong khi nhiệt độ là 42 độ C, Lena Schwarz, du khách người Đức, cho biết sau khi đến sân bay Hanover từ đêm 23 sang ngày 24/7.
Người đàn ông 38 tuổi cho biết hành trình rời Rhodes của họ là "địa ngục trần gian".
Oxana Neb, 50 tuổi, cũng đến Hanover, cho biết việc sơ tán "rất tồi tệ". "Chúng tôi ở trong khách sạn cho đến khi kết thúc và lửa bốc lên từ mọi phía", cô nói.
Cô đã cùng với những vị khách khác chạy đến bãi biển, cuối cùng đã bỏ lại vali của mình trên đường đi.
Các đội cứu hỏa đã chiến đấu với ngọn lửa ở các vùng của Hy Lạp trong khoảng một tuần và lính cứu hỏa đã sử dụng máy bay từ rạng sáng ngày 24/7 để cố gắng dập tắt ngọn lửa ở Rhodes.
Theo các nhà chức trách, nhiều khu vực có nguy cơ cháy rừng cao vào ngày 24/7, nhưng không có thị trấn nào bị ngọn lửa đe dọa trực tiếp, cơ quan cứu hỏa nói với AFP.
Giống như mọi mùa hè, Hy Lạp bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng, thường gây chết người, tàn phá hàng chục nghìn ha rừng và thảm thực vật.
Theo các chuyên gia, mùa hè năm nay, đất nước này đã trải qua một trong những đợt nắng nóng kéo dài nhất trong những năm gần đây, với nhiệt độ lên tới 45 độ C vào cuối tuần.
Vào ngày 24/7, sức nóng dự kiến sẽ giảm nhẹ với nhiệt độ dự kiến đạt 37 độ C ở Athens, nhưng vào ngày 25/7, nhiệt độ được dự báo sẽ tăng trở lại.
Thời tiết khắc nghiệt đang tàn phá miền nam châu Âu trong mùa hè này, từ mưa đá và lốc xoáy ở Ý, đến mưa lớn và gió mạnh khiến nhiều người thiệt mạng ở các vùng phía tây Balkan. Nhiệt độ kỷ lục 50 độ C được dự báo ở phía nam đảo Sardinia của Ý vào ngày 24/7 sẽ vượt qua mức cao nhất của châu Âu là 48,8 độ C, được thiết lập ở Sicily hai năm trước.
Sau tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay, các kỷ lục về nhiệt độ đang bị phá vỡ từ Mỹ đến Trung Quốc. Biến đổi khí hậu, gây ra bởi khí thải nhiên liệu hóa thạch, đang làm tăng cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng mùa hè trên khắp Bắc bán cầu, đặt ra câu hỏi liệu nhiều vùng trên Trái đất có trở nên không thể ở được hay không.