"Cuối con đường, người ta sẽ nói lời vĩnh biệt nhân gian. Nhưng cuộc sống với biết bao nhiêu bộn bề lo toan cứ cuốn tôi đi miệt mài, tình yêu dành cho bố mẹ vẫn lớn nhưng bị vùi lấp tận sâu dưới đáy trái tim. Đôi khi hèn nhát chỉ mong bố mẹ vẫn bình yên cho mình còn yên tâm sống tiếp, có một mái nhà để về..."
Con gái nghêu ngao hát, lí lắc làm điệu bộ nhún nhảy bỗng khiến tôi nhớ đến mình của ngày xưa. Mới đấy mà đã 30 năm rồi kể từ khi tôi cầm tay xòe chiếc váy của mình ra, lắc hông qua trái, qua phải, hát cho mẹ nghe. Khi ấy hai mẹ con đang ở trong bếp, mẹ vùi than cho tôi củ khoai nướng nóng hổi, ngọt lịm. Tôi nhớ cái gương mặt bụ bẫm đáng yêu của mình và nhớ da diết nụ cười trên gương mặt chưa hằn nếp nhăn của mẹ.
Rồi con trai ngồi trên vai bố công kênh làm máy bay thôi mà cũng khiến tôi mềm lòng rung rinh. Tôi thấy mình như đang được đu vào tay cha đi dọc đường, đến nhà ông bà nội, cha nhấc bổng tôi lên đặt trên mái nhà để tự tay hái những quả mận chín đỏ. Tôi thấy mình trở về là cô con gái bé bỏng được cha đặt sau yên xe chở đi bất cứ nơi đâu, có cái vòng tay chật quá cũng õng ẹo nhờ cha tháo cho. Tôi nhớ hình ảnh cha vác đâu một bẹ dừa non về, từ ngoài ngõ đã gọi lớn: “Các con đâu, nhanh ra đây ăn đặc sản!”.
Chồng tôi mua về nhà một bể cá mini cho bọn trẻ con có cái để ngắm cho sinh động hơn. Tôi bỗng nhớ ngày bé mình từng có những bể cá tự chế bằng chai thủy tinh cũ đặt ngay bàn học.
Chai bé, chỉ đựng được 1-2 con cá mà cha bắt được từ ngoài đồng, hoặc có bữa trên đường sang nhà hàng xóm uống nước chè thì cha bắt được một con rồi vội vàng mang về cho tôi. Tôi ngắm mãi lũ cá, cứ thấy đời mình vui hơn và trong trẻo hơn. Mỗi bữa lại rón rén bỏ vài hạt cơm vào và xem “thú cưng” của mình rỉa xung quanh…
Cứ thế, những thước phim về tuổi thơ bình yên và đẹp đẽ thi thoảng lại hiện ra trước mắt tôi. Tôi đã không biết thời gian vụt nhanh đến thế cho đến khi nhìn cách những đứa con của mình đang lớn dần lên, lặp lại những thứ mà mới ngày nào mình trải qua.
Các con biết đi, biết nói, biết cười, ngày càng cãi lí nhiều hơn. Tôi cũng già đi nhiều, thấy mình trong hình ảnh của mẹ ngày xưa. Tôi đã mong bố mẹ mình vẫn cứ mãi trẻ như ngày tôi bắt đầu nhớ được về ngoại hình của họ. Nhưng thực tế là dù tôi mong như thế nào, thời gian vẫn cứ vậy trôi.
Tôi không biết bố mẹ tôi đã dần đi về nửa bên kia sườn dốc. Trong lần khám tổng quát, biết bao nhiêu vấn đề về tiểu đường, về tử cung, về cột sống, về tai, về mắt… của ông bà đã được bác sĩ đưa ra cảnh báo. Bố mẹ vẫn cứ ví mình chẳng khác gì như ngọn đèn leo lắt, gió thổi mạnh một chút là tắt, còn nói đùa bây giờ nhắm mắt cũng mãn nguyện rồi vì đã nhìn được con cái lớn khôn. Nhưng chua chát quá khi con cái lớn khôn lại tiếp tục nuôi dưỡng những đứa con của mình mà vô tình quên mất đi ơn nghĩa sinh thành.
Cả hai đứa con của tôi òa lên nức nở: “Con không muốn mẹ già đi, không muốn mẹ chết đi đâu” khi tôi nói tôi rồi cũng sẽ già như bà, còn chồng tôi rồi cũng sẽ già như ông.
Cuối con đường, người ta sẽ nói lời vĩnh biệt với nhân gian. Nhưng nhìn những giọt nước mắt của các con, tôi chợt nhớ đến mình cũng đã từng gào khóc tương tự khi nghĩ về việc bố mẹ sẽ có ngày bỏ mình về với đất trời. Nhưng cuộc sống với biết bao nhiêu bộn bề lo toan cứ cuốn tôi đi miệt mài, tình yêu dành cho bố mẹ vẫn lớn nhưng bị vùi lấp tận sâu dưới đáy trái tim. Đôi khi hèn nhát chỉ mong bố mẹ vẫn bình yên cho mình còn yên tâm sống tiếp, có một mái nhà để về.
Nhưng điều cần làm hoàn toàn không phải là mong ước qua ngày như thế mà là mở toang trái tim ra, để tình yêu dành cho bố mẹ luôn hiện diện, nhắc nhở trước mắt. Tình yêu ấy sẽ dẫn đường cho tôi đi trọn đạo làm con. Gọi điện thăm hỏi thường xuyên, những chuyến thu xếp về nhà định kỳ thay vì “đợi dịp”, những chuyện tâm tình bên lề cuộc sống, những món quà thể hiện sự quan tâm thay vì nằm ở giá trị… Tôi sẽ học cách các con đang yêu mình để được yêu lại bố mẹ từ đầu. May mắn thay, nhờ có các con mà tôi đã nhìn lại rõ ràng tình yêu mà mình đã dành cho bố mẹ!