Suốt mấy ngày Tết tôi chủ động nấu cơm, nhưng nhờ biết cách lên thực đơn mà mọi thứ nhanh gọn không ngờ. Lúi húi ở bếp chỉ 1 chút, tôi vẫn dư thời gian tô son, điểm phấn, áo quần là lượt đi chơi xuân.
Tôi là dâu mới. Lại là gái thành phố, lấy chồng quê nên Tết này cũng hơi lo. Đặc biệt, các chị công ty lúc nào cũng ra rả: "Mày chết, về quê thì tha hồ mà sấp mặt. Tao thấy ở quê họ nặng chuyện ăn uống, thết đãi họ hàng lắm. Đoàn khách nào tới cũng bê mâm, chưa kịp dọn của đoàn này lại chuẩn bị cho đoàn khác, sợ cực".
Tôi lúc ấy cũng lo. Nhưng tôi là người lạc quan, nên tự trấn an các chị: "Nhà chồng em tư tưởng khá thoáng ấy. Nhưng chuyện này em sẽ hỏi lại chồng. Tết thì đi thăm hỏi họ hàng, chơi với bạn bè. Ăn uống thì em ủng hộ nhưng quá đà thế thì mệt lắm. Nào cũng sấp ngửa với chuyện cơm nước thì hết Tết còn đâu?".
Thế nhưng, khi tôi chia sẻ với chồng về nỗi lo thì anh đã bật cười. Chồng tôi khẳng định mỗi ngày phải làm 1 mâm cơm để cả nhà ăn uống, quây quần thật, nhưng không có chuyện khách nào vào cũng mời ăn đâu. Hơn nữa, anh khẳng định tôi sẽ không phải làm nhiều, phụ bếp thôi còn có nhiều thời gian đi thăm hỏi họ hàng, dâu mới mà.
Dù thế, tôi cũng xác định mình sẽ là phải quanh quẩn trong bếp nghe mẹ chồng sai vặt. Nếu thế, chi bằng chủ động nhận việc rồi tự lên thực đơn cho rồi. Và mặc cho các chị công ty phản đối, chồng thì sửng sốt, tôi vẫn tuyên bố ngay hôm về quê ăn Tết: "Chuyện làm cơm năm nay để con lo tất".
Mẹ chồng, bố chồng, cả 2 cô em chồng cũng nhìn tôi chằm chằm. Ai nấy đều sửng sốt. Mẹ chồng tôi thì kiểu can: "Con làm được không, sợ không nổi. Còn phải dành thời gian mà đi thăm họ hàng nữa, năm đầu làm dâu không đi thiếu nhà nào được đâu".
"Vâng, con biết mà. Con vẫn đi đủ, mỗi ngày dậy sớm làm một mâm cỗ rồi đi vẫn kịp mẹ ạ" - tôi tự tin đáp.
Và rồi tôi đặt một loạt đồ ăn gồm các loại giò, từ giò lợn, giò bò, giò mỡ, giò me, chả mực, chả ốc, dồi sụn, lạp xưởng... Rồi những món sẵn chỉ việc bỏ ra cắt như thịt xông khói, nem chua, đương nhiên không thể thiếu. Tới tôm chiên và mực tẩm bột tôi cũng chọn loại đã sơ chế. Bánh đa nem tôi cũng mua loại rán sẵn, đóng hộp, chỉ việc đem về bỏ vào lò vi sóng cho nóng là đánh chén.
Gà thì mẹ chồng tôi đặt gà hàng xóm thả vườn, không nuôi cám, ăn chắc thịt. Ok, không vấn đề. Nhưng ngày mà sang thanh toán tiền, tôi đã ngỏ lời với bác: "Bác thịt gà giúp cháu luôn được không? Tiền nong thì không phải bàn, cháu trả đủ".
Bác ấy nhìn tôi tóc xanh tóc trắng, tay thì sơn đỏ sơn vàng, tặc lưỡi: "Ừ, riêng mày bác mới thịt cho đấy nhá. 25k/con, bác lấy giá như ngoài chợ mà còn làm sạch sẽ hơn."
Tôi hí hửng, giao bác cả 3 con gà. Trưa quay lại thì bác đã xong, tôi thả gà vào túi ni lông buộc kín, bỏ tủ lạnh. Bộ lòng mề thì để dành cho Tết nấu miến, mì.
Canh măng thì mẹ chồng đã ninh sẵn, bữa nào ăn thì lấy ra 1 chút hâm nóng là được. Sương sương như thế tôi đã có gần đầy đủ cho mâm cỗ.
Về phần rau củ tôi mua hàng homemade từ các chị đồng nghiệp gồm mấy loại dưa, hành, xoài, su su, củ cải muối chua. Mỗi ngày sẽ đổi 1 loại khác để cả nhà khỏi bị chán, bị ngấy. Tôi xác định sẽ chỉ cắt bánh chưng, luộc rau, luộc gà, nấu miến cho mâm cơm cúng Tết mà thôi. Như thế, 30 phút - 1 tiếng là xong mâm cỗ, khó gì?
Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng nhưng tiện lợi đó, mấy ngày Tết tôi nhàn thật. Tôi không bày vẽ quá nhiều món. Mấy nguyên liệu tôi chuẩn bị cũng là để chia ra mỗi bữa 1 món khác nhau để thay đổi.
Ngay ngày mùng 1, tôi làm mọi thứ xong xuôi chỉ trong khoảng 1h. Ngoại trừ gà là do chồng chặt còn tôi xử hết. Mâm cơm đẹp mắt, mới mẻ hơn hẳn so với mọi năm khiến nhà chồng rất bất ngờ. Bố chồng vỗ đùi đen đét khen con dâu. Không chỉ thế, ông còn cao hứng, rút 1 phong bao lì xì ra đưa tôi: "Dành riêng cho con dâu, lấy lộc để năm tới làm một nghé con nhé".
Cả gia đình vui vẻ, tôi thì tuy hơi mệt một chút nhưng được mọi người đón nhận thì rất vui. Những ngày sau đó tôi cũng chỉ việc chiên rán, hâm nóng lại chút xíu là xong mâm cỗ. Thật sự không quá bận rộn mà vẫn hoàn thành nghĩa vụ của dâu mới.
Vậy là mỗi ngày tôi chuẩn bị một mâm cỗ cho buổi sáng, trưa hoặc tối thì mẹ chồng và em chồng lo liệu, tôi chỉ cần ăn diện mà đi chúc Tết thôi. Dù cũng chẳng nặng nhọc gì, nhưng mới tới ngày Mùng 2 Tết, mẹ chồng đã chủ động bảo tôi nghỉ ngơi, chuẩn bị đồ về nhà đẻ, còn lại để mẹ và em chồng lo cho. Tôi thấy hóa ra làm dâu cũng chẳng mệt như mình nghĩ. Mỗi ngày chỉ tốn 1-2h chuẩn bị rồi vẫn tha hồ xúng xính áo quần đi chúc Tết.