Em chồng tôi rảnh ra là cắm mặt vào điện thoại, thậm chí không rảnh cũng cầm. Chính vì thế, nhiều phen tôi đã thót tim khi giao con cho nó trông giúp.
Tôi với Quỳnh sau gần 2 năm trời chạy chữa mới có được 1 mụn con. Chính vì thế, bé Bon được cưng như trứng, hứng như hứng hoa cũng không có gì lạ. Nếu không phải vì mua nhà vẫn nợ gần nửa tỷ thì có khi tôi đã nghỉ ở nhà để tự trông nom, >chăm sóc con rồi.
Tuy nhiên, thực tế không cho phép, do đó tôi đành phải nhờ cậy cô em chồng và mẹ chồng lên trông cháu giúp. Mẹ của Quỳnh thực ra cũng không khó tính, nhưng bà nhà quê quá nên tôi nghĩ bà không biết dạy cháu một cách khoa học. Chính vì thế, tôi đành cắn răng đèo bòng thêm cô em chồng đang học ngoài Hà Nội, cho nó ở cùng cốt để phụ trông cháu.
Nhưng mọi chuyện không như là mơ...
Mẹ chồng tôi thì kiểu nghe tai này bỏ tai kia. Tôi dặn gì bà chẳng nhớ bao giờ, xong tự làm theo ý mình. Nếu bị nói thì lại cười khì khì chống chế: "Không sao đâu, ngày xưa mẹ nuôi thằng Quỳnh như thế có vấn đề gì đâu?"
Sao mà tôi ghét cái lý lẽ này của mấy bà thế không biết! Mỗi thời mỗi khác cơ mà, cứ đem so thế rất khập khiễng.
Song tôi cũng biết thân biết phận mình đang đi nhờ bà nên thời gian đầu chung sống, tôi đã nhịn rất nhiều, người ngoài nhìn vào lại tưởng hòa hợp, yên ấm vì không xảy ra cãi cọ mấy. Thế nhưng, càng ngày tôi càng chướng mắt với cách mà mẹ chồng tôi cho cháu ăn, cháu chơi. Tôi đã dặn đi dặn lại rồi bà vẫn một mình một phách, không tiếp thu lấy 1 chút!!!
Cáu quá, có hôm tôi giật bát bột từ tay bà để tự làm. Quỳnh thì mắng tôi là hỗn, nhưng nhìn con mình không được hưởng những thứ tốt nhất nó đáng được hưởng đương nhiên là điên tiết rồi!
Những mâu thuẫn nho nhỏ ấy khiến tình cảm tôi và mẹ chồng rạn nứt. Khi bé Bon vừa tròn 1 tuổi, mẹ chồng nói về quê vì không hợp trên này.
Tôi cũng rất hoang mang, bà về rồi thì ai sẽ trông con cho? Nếu như thuê người giúp việc thì quá tốn kém, lại cũng không yên tâm. Còn cô em chồng thì vẫn phải đi học, sao nó có thể trông giúp cả ngày được??? Nhưng vì cũng tự ái, tôi quyết không giữ mẹ chồng lại.
Cuối cùng, sau đó tôi đành phải đem con đi gửi để tiết kiệm chi phí, còn việc đưa, đón sẽ nhờ cô em chồng. Nó được vợ chồng tôi nuôi ăn ở nên cũng miễn cưỡng gật đầu dù không thích cho lắm!
Những ngày sau đó, tôi mới nhận ra so với mẹ chồng thì em chồng mới chính là ác mộng. Con bé còn trẻ nên không cẩn thận, lại thường xuyên dán mắt vào điện thoại, mấy lần để cháu bị ngã sưng trán.
Tôi đã dặn nó rất nhiều, cháu còn nhỏ lại đang tuổi tập đi, cần để mắt không sẽ rất nguy hiểm. Nó vâng dạ nhưng lại để đấy thì phải.
Hôm gần đây, tôi đi làm về, theo thói quen gọi Bon ơi Bon à nhưng không thấy thằng bé đâu. Em chồng thì đang cắm mặt vào điện thoại nhắn tin cho ai đó. Nhìn quanh một lượt vẫn không thấy con, tôi nhẹ nhàng hỏi em chồng nhưng nó quá tập trung nhắn tin nên không nghe thấy.
Tôi phải gọi thật to, nó mới hốt hoảng bỏ điện thoại xuống. Lúc này, tôi gào lên chửi vài câu rằng ăn hại, tốn tiền nuôi mà không được việc gì... Em chồng mới đơ người.
Đúng lúc đó, một tiếng thét trong phòng ngủ vang khiến tôi đứng tim. Tôi ném vội túi xách rồi chạy vào, Bon bị ngã xuống đất. Nhưng trên giường còn có chồng tôi, không hiểu sao nay anh lại về sớm như thế.
Tôi vội vàng đỡ con trai dậy, dỗ dành, nhưng phần cũng là để che giấu sự ngượng ngùng vì trách nhầm em chồng. Buổi tối, chồng tôi bảo đừng có giữ định kiến về mẹ, về em mà nghĩ xấu cho họ. Có thể họ không làm đúng ý tôi nhưng họ cũng yêu và thương Bon rất nhiều.
"Em nghĩ xem, em nuôi con còn chẳng tránh khỏi những lúc con bị ngã, bị thương, sao cứ trách em H mãi thế?" - Quỳnh nói.
Tôi cũng xin lỗi em chồng, nhưng nó lại nằng nặc đòi xin ra ngoài ở riêng dù nhà chúng tôi vẫn dư phòng. Nó bảo ra ngoài để đi làm thêm và học thêm, không có thời gian trông cháu. Tôi lại gật đầu, nhưng Quỳnh thì luôn trách tôi quá khó tính khiến hết mẹ lại tới em chồng chạy mất dép.
Chúng tôi giận nhau mấy hôm rồi, đúng là không nên nhờ gia đình >nhà chồng lên trông con cho nếu không muốn rước phiền phức vào người mọi người ạ.