Chồng Quỳnh bỗng về sớm hơn dự định 2 ngày nên cô không kịp trở tay. Nếu biết trước thời gian anh trở về, chắc chắn Quỳnh sẽ mua thức ăn để nấu cơm cho anh.
Sau khi kết hôn, vợ chồng trở thành người một nhà, gia đình đối phương cũng trở thành gia đình của chính mình. Nếu bất kỳ ai có khó khăn, vợ chồng đều nên chia sẻ, giúp đỡ, chứ không nên phân biệt nhà chồng, nhà vợ, trọng bên nội mà nhẹ bên ngoại.
Quỳnh (27 tuổi, TP. HCM) cho biết, 4 tháng trước đây cô bắt đầu nghỉ việc ở nhà sau khi vợ chồng đã bàn bạc rồi đi đến thống nhất. Thời gian đó công việc của Quỳnh gặp trục trặc nên anh bảo vợ nghỉ việc luôn. Vợ chồng cô cưới nhau được gần 1 năm rồi, đã đến lúc nên sinh con, đợi con cứng cáp gửi trẻ được thì cô đi làm lại một thể.
"Vốn >sức khỏe tôi khá yếu và công việc của tôi hay phải đi lại rất vất vả, vừa mang thai vừa đi làm tôi sợ mình không chịu đựng được. Vì thế tôi nghe lời chồng, bắt đầu cảnh sống 'ăn bám'. Hiểu rõ hoàn cảnh của mình, tôi luôn tiết kiệm tối đa, cũng chẳng dám sắm sửa gì cho bản thân cả", Quỳnh kể.
Cô tâm sự, đợt đó anh phải đi công tác ở tỉnh gần 1 tháng trời, chỉ có mình cô ở nhà. Trước khi đi, anh chủ động đưa đủ tiền chi tiêu, sinh hoạt cho vợ không hề keo kiệt. Nhưng đến ngày trở về, Quỳnh hốt hoảng khi anh lớn tiếng gọi vợ đến trách mắng chuyện tủ lạnh rỗng không. Trong nhà chẳng có thức ăn dự trữ gì, chỉ có 1 lọ muối vừng ở bếp. Điều đó chứng tỏ nhiều ngày nay Quỳnh đều ăn cơm với canh suông và muối vừng.
Chồng Quỳnh bỗng về sớm hơn dự định 2 ngày nên cô không kịp trở tay. Nếu biết trước thời gian anh trở về, chắc chắn Quỳnh sẽ mua thức ăn để nấu cơm cho anh. Cô giải thích với chồng như vậy, ai ngờ anh lạnh giọng: "Anh không nói chuyện bữa cơm chào đón anh, mà em ở nhà ăn uống kiểu gì vậy? Ăn thế lấy đâu sức khỏe, chưa nói em còn đang chuẩn bị để mang thai cơ mà!".
Quỳnh biết, nếu viện lý do muốn giảm cân, cô sẽ bị chồng giận cả tháng trời. Cô không thừa cân, vợ chồng cô còn đang lên >kế hoạch sinh con, giảm cân lúc này là việc làm vô cùng ngu ngốc. Quỳnh đành nói thật với chồng, vì bố cô bị bệnh phải nhập viện điều trị, cô đành lấy tiền sinh hoạt gửi về quê cho bố mẹ.
"Thú thực tôi và chồng đến với nhau bằng tình yêu thật đấy nhưng tiền bạc vẫn là chuyện khá tế nhị. Lúc ấy tôi nghĩ rằng mình đã ở nhà không làm ra tiền, anh đang phải nuôi vợ mà tôi còn đòi hỏi anh phải chăm lo cho cả bố mẹ mình - dường như đòi hỏi ấy hơi cao thì phải. Tôi không dám kỳ vọng chồng có thể tốt bụng và rộng lượng được tới mức ấy", Quỳnh nói.
Nhưng phản ứng của chồng Quỳnh sau khi biết rõ nguyên do lại khiến cô vô cùng bất ngờ. Anh tức tối bảo vợ: "Sao em không nói với anh sớm? Có phải anh không thể lo được đâu. Gần tháng ăn cơm với muối vừng, anh đến chịu em rồi. Lần sau có chuyện như thế thì phải nói ra đấy, còn tự ý làm một mình thì đừng trách anh!".
Chồng giận dữ mắng vợ nhưng Quỳnh không hề thấy tủi thân, chán nản chút nào. Trái lại cô cảm động bật khóc, nước mắt cứ thế trào ra. Nhìn vợ phản ứng như thế, chồng cô thở dài: "Giờ đây anh với em là người một nhà rồi, sao lại phân biệt bố mẹ em với bố mẹ anh thế. Em ở nhà cũng vì để sinh con, là con chung của vợ chồng mình. Tóm lại trong nhà có chuyện gì thì phải thông báo cho anh biết để cùng giải quyết. Tất nhiên anh cũng mong em sẽ đối xử với bố mẹ anh như vậy, coi gia đình anh như gia đình em, hiểu chưa?".
Quỳnh bảo, sau chuyện đó cô hiểu thêm về người chồng mà mình chung sống gần 1 năm qua và nhận ra bản thân là người vợ may mắn cỡ nào. Hiện tại Quỳnh đã mang thai, kinh tế trong gia đình vẫn do chồng cô cáng đáng. Tuy "ăn bám" chồng nhưng Quỳnh chưa khi nào vấp phải sự coi thường, khinh bỉ của anh. Hơn thế, anh còn đưa hết tiền cho vợ giữ để chi tiêu, dư ra thì tiết kiệm lo cho tương lai. Giữa họ luôn là sự tin tưởng, yêu thương và thấu hiểu sâu sắc.
Chồng Quỳnh nói đúng, vợ chồng đã về chung một nhà và nguyện đi cùng nhau đến hết đường đời thì gia đình của vợ hay chồng cũng đều gia đình chung. Chỉ có thật lòng đối đãi, chân thành quan tâm như thế vợ chồng mới có thể thật sự trở thành người thân của nhau, hoạn nạn hay hạnh phúc đều không rời bỏ.