Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 25% trong vòng 12 tháng sau sinh.

TiNi (TH) 09:48 04/10/2022

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là một rối loạn cảm xúc xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh nữ. Bệnh lý này biểu hiện qua khí sắc trầm buồn, chán nản, mệt mỏi và hình thành những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Theo ThS. BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, >trầm cảm sau sinh chứng bệnh tâm lý thường gặp, xảy ra ở khoảng 10 – 20% phụ nữ sau khi sinh nở. Trong đó có 15% trường hợp xảy ra trong 3 tháng sau khi sinh và 15 – 25% xảy ra trong năm đầu tiên.


khoảng 10 – 20% phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh nở (Ảnh minh họa)

Các dấu hiệu sớm của trầm cảm sau sinh

Bác sĩ Thành cho biết, bệnh trầm cảm sau sinh thường không được phát hiện cho đến khi người bệnh có những hành động dại dột, làm ảnh hưởng đến >sức khỏe của bản thân. Vậy nên, cần nhận biết các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh con chính là cách để bảo vệ bản thân khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh trầm cảm.

- Các dấu hiệu về cảm xúc, khí sắc: Khí sắc trầm, có cảm giác buồn chán kéo dài, buồn chán không rõ nguyên nhân. Các mẹ thường khóc cả ngày hoặc trở nên lãnh đạm, thờ ơ, trống rỗng. Ngoài ra, các mẹ có thể cảm thấy sợ hãi, dễ nổi nóng, lo lắng quá nhiều nhưng các luồng suy nghĩ không rõ ràng và mơ hồ.

- Các thay đổi trong hoạt động thường ngày: Cảm thấy uể oải, chán nản, không muốn làm việc kể cả những việc bản thân yêu thích. Mất hứng thú với những sở thích trước đây, Rối loạn ăn uống như chán ăn, hoặc ăn rất nhiều. Người bệnh còn có thể rối loạn giấc ngủ như ngủ nhiều hoặc mất ngủ. Bên cạnh đó, mẹ còn có thể cảm thấy giảm ham muốn tình dục hoặc đột nhiên ham muốn rất nhiều. Nặng nề hơn nữa, nhiều bệnh nhân có hành vi tự làm hại bản thân, làm hại con hoặc cố gắng tự sát.

- Các thay đổi trong trí nhớ và chú ý: Người bệnh có thể cảm thấy khó tập trung hoặc chú ý vào một việc, thường xuyên quên mất công việc của mình và khó khăn khi đưa ra quyết định. Các mẹ bỉm sữa có thể trở nên lơ đãng khi làm các công việc nhà, khi chăm con, quên mất vị trí để đồ đạc và quên giờ giấc.

Các thay đổi trong tư duy: Các mẹ có thể bị ám ảnh như ám ảnh việc mình không phải là người mẹ tốt, hoang tưởng ảo tưởng rằng có người trách mắng chửi rủa mình. Các mẹ thường có định kiến sai về bản thân như cảm thấy tội lỗi, vô dụng, không có giá trị và không thể làm tốt bất cứ việc gì.

Trầm cảm sau sinh thường có khí sắc trầm buồn, chán nản, mệt mỏi và hình thành những suy nghĩ tiêu cực về bản thân (Ảnh minh họa)

Một số lưu ý giúp phụ nữ ngăn ngừa chứng trầm cảm, rối loạn cảm xúc sau khi sinh bé

- Tham vấn từ bác sĩ: Người mẹ có thể nói chuyện riêng với bác sĩ tâm lý hoặc sử dụng thuốc nếu có những triệu chứng bất thường.

- Yêu cầu giúp đỡ từ người thân: Hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ người chồng, người thân trong gia đình trong quá trình sau sinh vì đây là giai đoạn khó khăn và cần thời gian để thích nghi.

- Không quá áp lực việc chăm con: Đừng quá áp lực đối với vấn đề >chăm sóc con cái vì mọi người mẹ đều cần thời gian để hai mẹ con có thể hiểu nhau và có phương pháp chăm sóc phù hợp. Tuyệt đối không sử dụng những từ ngữ gây kích động trong quá trình chăm con với những người mẹ, đặc biệt là với người mẹ vừa sinh con sau 1-2 tuần đầu.

Bác sĩ Phan Chí Thành nhắn nhủ, nếu gặp phải bất cứ các dấu hiệu nào kể trên, hãy đến khám tại các cơ sở y tế và nhận tư vấn và điều trị sớm nhất.

“Trầm cảm là một bệnh và cần được điều trị theo phác đồ và cần được theo dõi bởi các bác sĩ. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng nhận thức được dấu hiệu bệnh hoặc những thay đổi đang xảy ra với mình đặc biệt là ở giai đoạn sớm. Vì vậy, người nhà nên đồng hành cùng các mẹ bỉm sữa trong quá trình chăm sóc con và hồi phục sau sinh để nhận biết những vấn đề từ sớm và có hướng giải quyết phù hợp”, Bác sĩ Phan Chí Thành nói.

Theo Thúy Ngà/ Gia đình Việt Nam