Trong tôi hiện nay rối bời tâm trạng. Tôi có nên nói chuyện với ông giám đốc để nhận cha không, hay là nghe theo lời mẹ?
Chúng tôi dự cuộc thi tuyển vào một công ty để làm việc khó khăn và căng thẳng chẳng khác thi đại học. Tấm bằng tốt nghiệp đại học, dẫu có là loại ưu với kết quả toàn điểm cao tuyệt đối chỉ là yêu cầu đầu tiên để các ứng cử viên được dự tuyển, chứ chẳng có ý nghĩa gì với người giám đốc. Ông ta tuyên bố phải tuyển lại với rất nhiều nội dung: thử khả năng chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính và giao tiếp ứng xử.
Về chuyên môn, phải trả lời rất nhiều câu hỏi. Về ngoại ngữ, phải dịch xuôi, dịch ngược, nói, nghe thành thạo tiếng Anh. Vi tính thì phải gần như một người học xong đại học ở ngành công nghệ thông tin. Riêng môn giao tiếp, ứng xử thì có vẻ không nặng, vì ông giám đốc nói chỉ cần tiếp xúc qua với thí sinh là có thể biết.
Công ty chỉ lấy có 10 người, trong khi số dự tuyển lên tới mấy trăm người. Ông giám đốc công bố công khai các yêu cầu cùng con số chỉ tiêu. Trong số mấy trăm người dự tuyển, tôi thấy có khoảng 50 người bị ông từ chối thẳng thừng dẫu có đáp ứng tất cả các yêu cầu. Họ hỏi lý do, ông không dè dặt: “Các em cần đọc kỹ tiêu chuẩn dự tuyển. Trước tiên phải là những sinh viên đã tốt nghiệp đại học không có khuyết tật về ngoại hình, phải cân đối, ưa nhìn”. Quả là các bạn trượt cũng khó coi: người thì quá thấp nhỏ, người lại béo ục ịch, có bạn mắt lác, có người răng vẩu như mái nhà nhô ra...
Tôi để ý thấy người giám đốc tỏ ra rất khó tính trong việc tuyển người. Trong quá trình tuyển, ông ta không tiếp ai có ý gặp riêng để chạy chọt. Có những bậc phụ huynh có vẻ thì thụt muốn tiếp cận, ông nói luôn: “Các vị nói với các cháu cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu, thi tuyển tốt. Đừng lo chuyện khác, vô ích”.
Tôi thấy ông chỉ vì công việc. Con người trông có vẻ khô lạnh, pha chút quan cách kia dẫu sao cũng gây cho tôi những ấn tượng khá đặc biệt, khiến tôi thiện cảm. Tôi càng cảm phục trước lời ông ta tuyên bố sau khi tất cả các thí sinh đã dự tuyển: "Các cháu về chờ kết quả. Ai trúng tuyển, cơ quan sẽ gửi giấy báo về tận nhà rồi theo hẹn, đến làm việc. Tôi không tiếp ai đến gặp riêng. Chớ tìm cách chạy chọt, nhờ người thân quen can thiệp, sẽ hỏng việc".
Tôi may mắn nằm trong số 10 người trúng tuyển. Chúng tôi đến nhận việc, nhanh chóng được phân về các bộ phận của công ty. Các nhân viên mới làm việc dưới sự quản lý, điều hành của những người phụ trách trực tiếp. Tôi rất ít nhìn thấy ông giám đốc. Phòng làm việc của ông luôn khóa cửa. Người ta bảo ông luôn phải đi công tác miền Nam hoặc nước ngoài để ký kết các hợp đồng.
Làm việc được một thời gian, dần quen với công việc, tôi thấy có phần yên tâm và hứng thú. Trong số 10 đứa được vào làm, người ta bảo tôi và 2 bạn nữa thành thạo việc nhanh, có hiệu suất nhất. Tôi càng vui nên đã toàn tâm, toàn ý, dốc hết nhiệt tình cho công ty. Nhưng có một hôm, tôi không thể không suy nghĩ và ít nhiều hoang mang trước lời bàn tán của mọi người. Họ bảo rằng trông tôi có nhiều nét giống ông giám đốc.
Một chị tương đối thân và quý mến tôi đã hỏi thẳng: “Này, sao trông em có rất nhiều nét giống sếp vậy? Cứ như hai cha con. Chị xin lỗi hỏi em: em có phải là cháu của sếp không? Gọi ông ấy là chú hay bác?”. Tôi cảm thấy hình như người ta có ý nghi tôi là cháu ông, nhưng không muốn tiết lộ để cho có vẻ “khách quan” khi lấy tôi vào làm việc.
Chị kia còn nói thêm: “Nếu là cháu cũng có sao đâu, vì em làm việc tốt, ai cũng phải công nhận và mọi người đều quý mến em”.
Sau sự việc trên, tôi không thể không suy nghĩ và đầu óc luôn bị ám ảnh. Một lần, giám đốc họp toàn công ty, lên phổ biến nhiều công việc, tôi đã cố quan sát thật kỹ ông, rồi lại về nhà ngắm mình trước gương thấy quả là mọi người nói đúng. Tôi cũng tự thấy giống ông ở nhiều chi tiết. Vậy là thế nào? Sao lại có sự ngẫu nhiên như thế? Rồi tôi cố xua đi việc này bằng ý nghĩ: trên đời thiếu gì người dưng nước lã giống nhau. Chính tôi cũng đã biết rõ một vài trường hợp. Họ còn giống nhau hơn cả anh, chị em ruột.
Do công việc bận rộn, nên tôi cũng quên dần chuyện mình giống ông giám đốc để chẳng suy nghĩ gì. Và dư luận ở công ty cũng chỉ rộ lên thời gian đầu, sau đã lắng xuống. Chẳng còn ai xì xèo, bàn tán gì. Tuy vậy, một lần về quê thăm mẹ, tôi đã kể chuyện này cho mẹ tôi nghe (bà đang sống một mình ở Thanh Hóa). Tôi thấy mẹ không bình thường, tỏ ra suy nghĩ, băn khoăn lắm, nhưng vẫn nói với tôi: “Con chẳng nên bận tâm bởi cái chuyện tình cờ, ngẫu nhiên đó. Miễn là làm việc sao để ông giám đốc và tất cả mọi người tín nhiệm, quý mến là được”. Mẹ nói thêm: “Thể nào mẹ cũng có dịp lên Hà Nội, đến chỗ con để xem con và ông ấy giống nhau như thế nào”.
Lần ấy, khi đến thăm bà ngoại, tôi cũng kể câu chuyện mọi người ở cơ quan nói tôi giống ông giám đốc thì sau khi nghe, bà im lặng hồi lâu với vẻ rất buồn bã. Rồi bà nói với tôi: "Cháu đã trưởng thành. Ở tuổi cháu, ngày xưa đã lấy chồng, có con. Cháu lại được học hành nhiều, biết suy nghĩ nên bà quyết định không giấu cháu nữa. Vả lại, cũng không thể giấu suốt đời được. Cháu cần phải biết tất cả để tự lựa chọn cách ứng xử ổn thỏa, phải đạo nhất...”.
Và bà đã kể sự thật. Qua lời bà, tôi được biết: mẹ tôi ngày trước là một cô gái xinh đẹp, nết na nhất vùng. Rất nhiều người nhòm ngó, đánh tiếng nhưng mẹ chẳng nhận lời ai. Không hiểu duyên số thế nào, mẹ phải lòng một anh chàng là sinh viên người Hà Nội về thực tập ở quê nhà. Anh ta hứa hẹn là sau khi tốt nghiệp đại học sẽ cưới mẹ và tạo điều kiện để mẹ tiếp tục con đường học hành (Khi ấy mẹ trượt đại học, thi 2 lần không đỗ).
Đến khi biết mẹ có thai thì anh ta đưa cho một cục tiền và nói đi hủy thai. Mẹ bảo trước sau cũng lấy nhau, sinh con, nay đã chót có rồi, sao phải phá bỏ? Anh ta một mực đề nghi mẹ làm theo ý anh ta nếu muốn cưới. Nhưng mẹ vẫn quyết định giữ. Thế là anh ta “bỏ của chạy lấy người”, lặn mất tăm từ đó, không đoái hoài gì đến giọt máu của mình cùng cô gái đã có những tháng ngày say đắm. Sau đó, mẹ tôi một mình vượt cạn, sinh con. Đứa bé đó chính là tôi. Ôm mối hận tình, mẹ tần tảo nuôi tôi khôn lớn. Nhìn thấy tôi đỏ hỏn khóc vì khát sữa (do mẹ gầy yếu không đủ sữa), ai cũng xui lên Hà Nội tìm người đàn ông bội bạc, nếu anh ta vô trách nhiệm thì phải kiện. Nhưng mẹ đã không làm theo lời khuyên chỉ với một ý nghĩ: người ta đã cố tình chối bỏ đứa con, táng tận bỏ đi thì níu kéo chẳng để làm gì.
Khi tôi lớn lên, bắt đầu đi học, thì được mẹ cho biết: bố đã mất vì ốm nặng. Và cả nhà tôi - từ ông bà ngoại đến chú bác, cô gì đều thống nhất nói như vậy. Thế là tôi cứ đinh ninh mình không may mồ côi cha từ nhỏ. Một mình mẹ vất vả vừa làm mẹ, vừa làm cha nuôi dạy tôi nên người. Thương mẹ, tôi đã quyết tâm học hành tốt để mẹ vui, để bù đắp nỗi đau của mẹ...
Được bà cho biết rõ sự thật, tôi quyết định nói chuyện với mẹ thì mẹ cũng không giấu nữa và cho tôi biết: suốt từ ngày ấy - nghĩa là đã 22 năm, mẹ không có ý biết người đàn ông phụ tình, ruồng rẫy mình ở đâu, ra sao. Mẹ nói với tôi: “Có thể ông ta chính là cha con. Nhưng mấy chục năm nay, con vẫn nghĩ là cha mình đã chết thì nay chẳng nên nhận ông ta làm gì”. Mẹ còn nói thêm: “Nếu ông ta nghèo khó, mẹ có thể đồng ý để con nhận. Nhưng lại có chức quyền, giàu sang, chẳng nên, con ạ. Hãy mãi mãi coi ông ta là người xa lạ”.