Chị nhớ lời ngỏ ý: “Chỉ cần em nói thương…”, có lẽ ông đã tin rằng với sự chân thành thì tình yêu sẽ đến và ông tận tình tưới tắm cho sự chân thành đó. Mà chị thì…

12:16 22/12/2018

“Chỉ cần em nói thương là quá đủ với anh rồi”, ông nói vậy. Chị thích sự thẳng thắn này. Và chị gật đầu…

*

Bể dâu cuộc hôn nhân đầu tiên cho chị nhiều kinh nghiệm thương đau nên cuộc sống chung với ông, chị luôn đề phòng và sẵn sàng cho một cuộc ra đi không nước mắt. Đã khóc quá nhiều rồi nên bây giờ chị thề với lòng mình từ nay quyết chỉ cười thôi.

Ảnh minh họa: Internet

Vào nhà hàng, ông lột vỏ con tôm mập mạp nhất đặt vào chén của chị. Chị nhớ lại trước kia người lột vỏ tôm luôn là mình. Lại còn nhấp nhổm không biết chén muối tiêu chanh có vừa miệng không, có cần thêm tí bột ngọt không. Chị luôn miệng hỏi: “Hình như hơi mặn phải không anh?”. Người đàn ông thuở đó mải nhìn ngắm cô thu ngân có đôi mắt lúng liếng và gắt với chị: “Có chút muối tiêu mà cứ hỏi hoài”. Người đàn ông thuở đó mải nhìn ngắm cô thu ngân cho đến khi đứa con gái tám tuổi kêu lên: “Ba đừng nhìn cô đó nữa”. Chị làm như không chú ý tới hai cha con. Người đàn ông thuở đó gay gắt: “Em dạy con kiểu gì mà dám nói anh nhìn cô này cô kia?”. Rồi xô ghế đứng lên: “Đi chơi mà cũng không được thư giãn chút nào”. Người đàn ông thuở đó hằm hằm ra khỏi quán bỏ lại hai mẹ con chị trơ trọi trước bao ánh mắt soi mói tò mò.

Cảm giác trơ trọi rất đáng sợ.

Bây giờ, chị là người được nghe hỏi: “Em muốn vắt thêm tí chanh không?”. Chị làm như không nghe vì đang ngắm nhìn khơi xa biếc xanh. Chị hài lòng khi cảm thấy ánh mắt của ông bao bọc khuôn mặt mình. Quá dễ chịu khi mình ở phía được yêu. Phía được yêu có quyền bất cần và tha hồ tận hưởng. Gì đó trong chị như nỗi hả hê được có cơ hội bù đắp cho đoạn đời nhiều cay đắng.

Ảnh minh họa: Internet

Cũng tại ông nữa. Khi chị phàn nàn bộ phim nhiều tập chiếu đúng giờ nấu cơm chiều nên chẳng coi được trọn vẹn, ngay hôm sau, ông đem về cái ti vi mới gắn lên tường bếp. Trước đây, khi chị nấu nướng, ông cũng hay vào bếp để làm gì đó giúp chị. Hoặc có khi ông cầm tờ báo từ nhà trên đi xuống, đứng ngay cửa bếp để hít hà và nói: “Thơm quá chừng. Anh đói bụng rồi đó”. Nay, tay thì khuấy khuấy trong nồi mà mắt chị dán mắt vào màn hình ti vi, tai chị lắng nghe nhân vật khóc cười. Từ khi có cái ti vi thì sự có mặt của ông trong bếp có vẻ như thừa thãi. Đôi lúc chị ngoái nhìn ông và hỏi: “Anh vừa nói gì?”. Để rồi khi ông lặng lẽ rời bếp thì chị mỉm cười một mình, thật lòng cũng thấy mình hơi nhẫn tâm nhưng với đàn ông thì phải làm lơ họ đi cho đời mình bớt nặng.

Vậy, chị dựng lên một hàng rào tự bảo vệ mình khỏi nỗi đau trong tương lai có thể lặp lại và tự tặng mình cảm giác an toàn không phải lo sợ mất mát bằng tâm thế sẵn sàng chia tay không hối tiếc. 

*

Điện thoại reo vang lúc nửa đêm báo tin chuyến xe từ quê về bị tai nạn... 

Ảnh minh họa: Internet

Ngay lúc đó, chị vẫn chưa nhận ra. Cho tới khi khung hình ông trên bàn thờ đã bớt nghi ngút khói nhang vì người thăm viếng đã giãn dần thì chị mới nhớ... 

Từng chút, từng chút…

Đặt chén cơm cúng và tô canh lên bàn thờ, chị nhớ lần ăn món lẩu có khay rau sống, ông cầm cọng rau đắng và hỏi: “Em ăn được rau này không?”. Chị lắc đầu thì ông cẩn thận khều cho bằng hết những cọng rau đắng để ra bên ngoài dĩa.

Chị nhớ khi mình cố tình lơ đãng với sự có mặt của ông trong căn bếp. Ông không hề giận. Chỉ buồn. Chị nhớ lời ngỏ ý: “Chỉ cần em nói thương…”, có lẽ ông đã tin rằng với sự chân thành thì tình yêu sẽ đến và ông tận tình tưới tắm cho sự chân thành đó. Mà chị thì…

Chị muộn màng nhận ra câu hỏi mà chị cho là ngớ ngẩn: “Chậu hoa hồng nở được mấy bông?” chính là lòng mong muốn được nghe chị nói tiếng yêu thương.

Con gái đến ngủ với chị, tỉ tê: “Có mấy lần bác gọi điện thoại cho con, hỏi má thích gì nhất?”. Rồi con nói thêm: “Bác nói, thật khó chọn quà cho một phụ nữ kiêu hãnh”.

Kiêu hãnh ư? Chị bật khóc, ngu xuẩn thì có. Lẽ ra nên buông bỏ quá khứ thì chị đã mang vác nó theo thành gánh nặng trong suốt hành trình tìm kiếm yêu thương…

Theo Nguyên Hương/Phunuonline